Đoàn kiểm tra liên ngành số 1, do Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) chủ trì - kiểm tra tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 2, do Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) chủ trì - kiểm tra tại các quận, huyện: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành đối với mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm trên địa bàn
Ban chỉ đạo 389 Hà Nội giao Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức chỉ đạo, làm Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1, tổ chức kiểm tra và xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội giao Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Minh Hùng chỉ đạo, làm Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2, tổ chức kiểm tra và xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cũng giao các ông Trần Việt Hùng, Nguyễn Đắc Lộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội có trách nhiệm tham mưu giúp Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội chỉ đạo 2 Trưởng đoàn kiểm tra, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra theo nội dung của kế hoạch kiểm tra liên ngành và xử lý vi phạm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Thời gian đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra từ ngày 1/6 - 31/7/2023.
Nhiều tháng qua, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã quyết liệt thực hiện các chương trình kiểm tra, kiểm soát liên ngành về thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm. Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023, từ 15/4/2023 đến 15/5/2023, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 175 vụ; phạt hành chính trên 1,6 tỷ đồng; xử lý buộc tiêu hủy tang vật, hàng hóa vi phạm là thực phẩm các loại trị giá gần 1,4 tỷ đồng.
QLTT Hà Nội cũng triệt phá cơ sở sản xuất collagen giả các loại quy mô khủng tại Chương Mỹ Hà Nội
Gần đây nhất, ngày 1/6/2023, QLTT Hà Nội cũng triệt phá cơ sở sản xuất collagen giả các loại quy mô khủng tại Chương Mỹ Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục ngàn sản phẩm collagen dạng nước, dạng viên được quảng cáo xuất xứ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu với giá lên tới hơn 2 triệu đồng/chai được làm giả tại một căn nhà cấp 4 xã Tiên Phương - huyện Chương Mỹ - Hà Nội. Hiện toàn bộ hồ sơ vụ việc đã chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục xác minh làm rõ.
Trước đó, ngày 13/4, Đội QLTT số 10 phối hợp với Công an huyện Mê Linh kiểm tra kho lạnh thuộc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú, địa chỉ: số 81 đường Cách mạng tháng 8, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh.
Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 2.579 thùng móng giò lợn đông lạnh đã hết hạn sử dụng, có tổng trọng lượng 51.589kg, trị giá hàng hóa trên 1,1 tỷ đồng. Quá trình làm việc xác minh, Đoàn kiểm tra, phát hiện Công ty Nam Khải Phú đã đưa ra lưu thông 103 thùng móng giò lợn đông lạnh vi phạm, với tổng trọng lượng 2.060kg, trị giá hàng hóa 43,9 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, trình Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội để trình Chủ tịch UBND Thành phố ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền. Ngày 24/5, Chủ tịch UBND Thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Nam Khải Phú 180 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Tiếp đến, ngày 18/4, Đội QLTT số 25 kiểm tra nhà hàng Sơn Dương, địa chỉ Đồng Vai, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 480 lít rượu trắng thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT 25 đã lập biên bản, phạt hành chính số tiền trên 25 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ngày 25/4, Đội QLTT số 7 phối hợp với Công an huyện Thanh Trì kiểm tra Công ty CP Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10, địa chỉ tại thôn 3 Xã Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội).
Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 29.600 sản phẩm kem sữa dừa loại 80g được sản xuất ngày 25/4, song nguyên liệu kem sữa đặc có được Famyl đã quá thời gian sử dụng. Trị giá sản phẩm thành phẩm vi phạm là 53,2 triệu đồng. Đội QLTT số 7 đã lập biên bản, trình Cục trưởng để trình Chủ tịch UBND Thành phố xử lý theo thẩm quyền. Ngày 19/5, Chủ tịch UBND Thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ sở trên số tiền 79,9 triệu đồng về hành vi sử dụng nguyên liệu đã quá thời gian sử dụng để sản xuất thực phẩm và buộc doanh nghiệp tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai có hiệu quả hơn, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, giám sát, QLTT Hà Nội cũng kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật để thương nhân hiểu đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm bằng bằng hình thức tuyên truyền miệng; cung cấp văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến an toàn thực phẩm mà cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm cần tìm hiểu...
Theo Tạp chí Quản lý thị trường