Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về vai trò của chuyển đổi số trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hàng giả. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tìm ra các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững.
Quang cảnh buổi hội thảo
Hiện nay, xu hướng chuyển đổi số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và dần trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam. Chuyển đổi số là một quá trình mà các doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ áp dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khía cạnh của hoạt động, từ sản xuất đến phân phối, thúc đẩy nền kinh tế chuyển dịch theo mô hình số hóa và mang đến sự tiện lợi trong mua sắm hàng hóa cho người tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hoạt động kinh doanh thương mại dần mở rộng phạm vi, quy mô; vượt ra khỏi thị trường truyền thống và diễn ra một cách sôi nổi trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Những kênh trực tuyến trong không gian mạng được ví như môi trường “mở” – tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cao về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Để kiểm soát việc quản lý hàng hóa trong môi trường thương mại điện tử; ngăn chặn các vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Ông Trần Văn Dũng – Phó cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thịtrường - Tổng cục quản lý thị trường
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường, cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh nhưng tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu vẫn là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và kinh tế.
Để đạt được các mục tiêu của Đề án 319, Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp: Chống hàng giả và vi phạm quyền SHTT, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, ứng dụng công nghệ số trong giám sát và phát hiện vi phạm. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật và không kinh doanh hàng giả.
Chia sẻ về vấn đề hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Trần Giang Khuê, Trưởng văn phòng miền Nam Cục SHTT, khẳng định rằng trên không gian mạng hiện nay xuất hiện nhiều hình thức bán hàng, trong đó có cả hàng giả và hàng vi phạm quyền SHTT. Ông Khuê cho biết, có tình trạng bán điện thoại nhái với giá 1 triệu đồng thay vì giá chính hãng 860 triệu đồng, hay các sản phẩm của thương hiệu Adidas bị rao bán với tên gọi tương tự như Adidis, Adidos.
Tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Viết Hồng – TGĐ Vina CHG, Phó ban tổ chức hội thảo nhấn mạnh, trước thách thức ngày càng gia tăng từ nạn hàng giả, tại hội thảo lần này, điểm khác biệt lớn nhất là ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số trong tối ưu hóa hiệu quả công tác chống hàng giả, giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật, hàng giả nhanh chóng. Cũng theo ông Hồng, ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm nguồn nhân lực và chi phí trong việc phát hiện và xử lý hàng giả, mà còn tạo ra sự linh hoạt và chủ động trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Viết Hồng – CT.HĐQT - TGĐ Vina CHG chia sẻ tại buổi tọa đàm
Tuy nhiên, ông Hồng cũng chỉ ra rằng chuyển đổi số trong lĩnh vực này không thể thực hiện đơn lẻ. Nó đòi hỏi sự đầu tư bài bản vào các công nghệ tiên tiến và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cả người tiêu dùng. Để triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực chống hàng giả một cách hiệu quả, hiện nay Vina CHG phát triển hệ sinh thái chống hàng giả toàn diện, trong đó có tem chống hàng giả ứng dụng công nghệ cao, phần mềm Vinacheck trên nền tảng số, và giải pháp bao bì chống giả thông minh, giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, giúp người tiêu dùng có cơ sở để dễ dàng nhận diện, xác thực hàng chính hãng nhanh, đồng thời góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch trên nền tảng số.
Cũng trong buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Anh Đào chia sẻ, hiện nay, nở rộ việc bán hàng trên mạng internet, nhiều đối tượng giới thiệu chào bán hàng thật để người tiêu dùng tin tưởng đặt hàng, nhưng khi giao hàng lại là hàng giả, hàng nhái. Để nắm bắt thủ đoạn gian lận bán hàng của các đối tượng, hàng ngày tôi phải đóng vai người tiêu dùng lướt mạng mua hàng, để có giải pháp ứng phó, ngăn chặn, bảo vệ người tiêu dùng, bà Đào cho biết thêm.
Bên cạnh đó, cũng trong hội thảo, lễ kí kết giữa Hiệp hội Yến sào Việt Nam và Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vi Na (Vina CHG) về Chương trình hợp tác trong phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trước sự chứng kiến của các đại diện cơ quan quản lý nhà nước. Đây là bước tiến chiến lược, hướng tới hợp tác bền vững trong bảo vệ ngành yến sào Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho các hội viên và quyền lợi của người tiêu dùng.
Kí kết hợp tác giữa Hiệp hội Yến sào Việt Nam và Vina CHG về Chương trình hợp tác trong phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Đặc biệt, hội thảo có khu vực gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp như Nón Sơn. Honda, Anh Đào Sứ Tiên, Fujiwwa, NPOIL, Rejuvaskin nhằm giới thiệu sản phẩm thật và hướng dẫn nhận biết hàng giả, hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về việc phân biệt sản phẩm chính hãng và hàng giả, hàng nhái.
Phát biểu chỉ đạo cuối buổi hội thảo, Ông Đặng Văn Dũng – Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết các bộ, ngành và địa phương đã đạt được một số kết quả khi thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Tuy nhiên, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn phổ biến trên các sàn TMĐT, nền tảng số và mạng xã hội.
Ông Dũng nhấn mạnh, hàng giả và vi phạm quyền SHTT có nguồn gốc cả trong nước và từ nước ngoài. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, truy tận gốc để xử lý triệt để các đối tượng sản xuất, buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT qua biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số kết hợp với công nghệ, giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc hiện đại trong công tác giám sát và phát hiện vi phạm.
Ông Đặng Văn Dũng – Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
Theo Vina CHG