Tôi cũng được biết tin này cách đây 2 hôm. Nguyên nhân của việc này một phần do phía Việt Nam, mà ở đây là ông Hồ Quang Cua – cha đẻ của thương hiệu gạo ST25 đã không đăng ký thương hiệu.
Một lý do khác được nhắc đến là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa công nhận giống ST25 này vì chưa qua khảo nghiệm trong nước.
Đây là một việc được cho là "lãng nhách". Quốc tế công nhận vinh danh rồi, mình cứ nương theo đó rồi phất cờ lên. Cũng có thể vì lợi ích cục bộ, thấy tư nhân làm không ủng hộ.
Do đó mà mình không đăng ký được. Như vậy, người ta lấy thương hiệu của mình, cũng giống cà phê Trung Nguyên vậy đó.
Giải pháp được đưa ra thời điểm hiện nay là gì, thưa ông?
Giờ mình phải giống Trung Nguyên làm đó là kiện mấy DN kia. Tốt nhất là Chính phủ Việt Nam phải can thiệp mạnh với cơ quan cho đăng ký thương hiệu của Mỹ. Thực tế, việc các DN Mỹ đăng ký không có lý do chính đáng.
Bởi lẽ, gạo ST24, ST25 là của Việt Nam và đã có biểu đồ DNA của nó rồi. DN nào đăng ký thì hỏi là làm sao sản xuất ra, có minh chứng gì anh là tác giả của nó, anh trồng ở đâu… Việc này sẽ "bắt lỗi" được việc mấy DN kia làm giả mạo.
Trên thực tế, không chỉ riêng mặt hàng gạo mà nhiều mặt hàng khác, theo ông bất cập hiện nay trong việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới là gì?
Thứ nhất, tác giả của Việt Nam mình không mặn mà trong việc làm thương hiệu. Do thủ tục làm thương hiệu của Việt Nam rất nhiêu khê. Có rất nhiều điều kiện để đảm bảo sản phẩm này là của tác giả đó. Do đó, thủ tục làm rất khó khăn và tốn kém.
Trong giai đoạn phôi thai, khi các DN chưa quen việc này. Trong khi kinh phí doanh nghiệp hạn chế, không thể đăng ký như các DN nước ngoài.
Tôi cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách để nâng đỡ, để giữ được thương hiệu của nông sản Việt Nam. Còn nếu để DN muốn làm gì thì làm, không làm được thì ráng chịu thì cũng sẽ rất khó.
Quay trở lại thương hiệu gạo Việt, ngay từ đầu, khi gạo ST25 đi thi và được giải. Phía DN cũng đã có sự liên hệ để có thể xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều khó khăn và không đưa được? Liệu chăng, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới nói riêng và thị trường Mỹ nói riêng, thưa ông?
Đúng vậy. Đáng lý ra mình phải có người tại Mỹ. Chẳng hạn, ngay bản thân tác giả là Hồ Quang Cua cũng không gửi mẫu gạo mình sang đó. Tôi đã nói với ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.
Anh Phạm Thái Bình đã rất nhanh chóng và đã gửi mẫu gạo qua đó. Nhưng bên kia hỏi lại, liệu họ đặt hàng thì gạo có được đúng y chang như mẫu đã gửi hay không? Hay bây giờ ăn ngon và có thể cạnh trạnh được nhưng chất lượng gạo có đảm bảo độ ổn định như vậy trong thời gian dài hay không? Những thông tin này, phía DN Việt Nam vẫn chưa trả lời được.
Nguyên nhân, do chúng ta vẫn làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. DN, hợp tác xã chưa gắn kết với nhau và phụ thuộc vào thương lái. Đây là một điểm yếu của mình.
Do đó, lần thì mình gửi đi mẫu này, lần khác mình lại gửi đi mẫu khác. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa cho giống lúa này vào danh sách được ưu đãi.
Công ty của ông Hồ Quang Cua phải đứng ra kiện lại DN nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu cho gạo ST25 tại Mỹ vì họ sở hữu thương hiệu này
Câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo không phải là lần đầu tiên mà đã bàn đến cách đây cách đây 30 năm, cơ hội đến nhưng chúng ta lại tiếp tục để tuột mất? Ông có nhận được thêm các thông tin bên lề về gạo ST25 chưa?
Chúng tôi vẫn chưa nắm được mà vẫn đang hỏi thông tin liên quan đến vấn đề DN nước ngoài đăng ký thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam.
Nếu họ đăng ký độc quyền thì chúng ta vẫn có quyền kiện trở lại giống như trường hợp cà phê Trung Nguyên không, thưa ông?
Đúng vậy. Chỉ có điều chúng ta sẽ tốn tiền và tự mình đẩy mình vào thế khó do phải thuê luật sư. Dù vậy, chúng ta cũng vẫn phải làm.
Có trường hợp bánh tráng thương hiệu Ba Cây Tre của DN Thuận Phong ở Mỹ Tho cũng bị một DN bên Mỹ đăng ký thương hiệu Ba Cây Tre ở Mỹ Thọ. Mỹ Tho và Mỹ Thọ chỉ khác nhau 1 dấu mà DN kia đăng ký độc quyền. DN Thuận Phong cũng đã phải tốn kém cả trăm ngàn USD, qua rất nhiều vụ kiện mới lấy lại được thương hiệu Ba Cây Tre.
Trong trường hợp này, Công ty của ông Hồ Quang Cua phải đứng ra kiện vì DN sở hữu thương hiệu này.
Như trường hợp nước mắm Phú Quốc, ngay từ hồi Thái Lan đăng ký tên Phú Quốc lấy tên Thái Lan. Sau này mình kiện lại.
Những thị trường lớn như Mỹ, EU… họ có đội DN chuyên "săn" các thương hiệu bán chạy để họ đăng ký sở hữu trí tuệ trước. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất nhưng lại vẫn chưa quan tâm đến thương hiệu của mình, vì sao, thưa ông?
Việc này gần như là tập quán. Nhà nước để cho DN, nông dân muốn làm gì thì làm mà không có định hướng chiến lược cho họ. Từ chỗ đó, đưa tới hệ quả như mình đã thấy.
Xin cảm ơn ông!
Liên quan đến lĩnh vực này, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong sáng ngày 22/4 đã kiểm tra thông tin. Hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra", của 4 doanh nghiệp. Do đó, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ, nhưng nếu thời gian tới doanh nghiệp không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất.
Để giữ được thương hiệu, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng, chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, mang sản phẩm đi tham dự.
Do nguồn lực có hạn, theo quy định hiện nay Chính phủ sẽ không làm thay doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Các cơ quan liên quan chỉ cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu.