Hồ Chí Minh,

Bàn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam

Định Khang  08/05/2023 10:09

Việc lựa chọn con đường phát triển của dân tộc dựa trên cơ sở khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, được tổng kết từ thực tiễn cách mạng thế giới và lịch sử dân tộc Việt Nam, hội đủ các nhân tố khách quan và chủ quan, dân tộc và thời đại, hoàn toàn không phải dựa vào cảm tính, thuần túy dựa trên nguyện vọng mong muốn chủ quan. Từ thực tiễn tình hình cách mạng thế giới và thành quả cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua càng khẳng định con đường đi lên với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Bác Hồ, của Đảng và Nhân dân ta. Bài viết tập trung bàn về đi lên chủ nghĩa xã hội, sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam.

Ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, chủ nghĩa Mác -Lênin nói chung, đã bị các thế lực thù địch chống phá quyết liệt. Hiện nay, lợi dụng sự kiện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chúng lu loa rằng chủ nghĩa xã hội đã “cáo chung”, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời và không ít kẻ đòi Đảng ta, Nhân dân ta phải từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, họ cho rằng đó là “con đường sai lầm”, là đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu. Mục đích của chúng là lái nước ta chệch khỏi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Chúng ta có quyền khẳng định và luôn khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhân dân ta! Bằng thực tiễn những năm tháng Bác Hồ bôn ba tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa xã hội khoa học và tìm ra con đường phát triển cho dân tộc Việt Nam; từ thực tiễn lịch sử hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã minh chứng rõ tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam phù hợp với lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin

Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng: Sự thay thế của một hình thái kinh tế - xã hội này bằng một hình thái kinh tế - xã hội khác xét đến cùng là do sự phát triển của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất phát triển mang tính xã hội hóa ngày càng cao thì càng mâu thuẫn với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Sự mâu thuẫn đó biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp, tất yếu sẽ nổ ra cách mạng xã hội, dẫn đến một hình thái kinh tế - xã hội mới tiến bộ hơn ra đời thay thế cho hình thái kinh tế - xã hội cũ đã lỗi thời lạc hậu. C.Mác và Ph. Ăngghen đã tập trung phân tích hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Từ sự “giải phẫu” xã hội tư bản chủ nghĩa và các quy luật vận động của nó, các ông đã luận chứng về tính tất yếu phải diệt vong của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời, sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; C.Mác đã phát hiện ra sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là xoá bỏ triệt để chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(1).

Bằng quan điểm chủ nghĩa duy vật lịch sử, C. Mác đã cho rằng: “Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(2). Việc phát triển tuần tự hay bỏ qua một hình thái kinh tế - xã hội đã lỗi thời lạc hậu, xây dựng hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ hơn là quy luật phát triển của xã hội loài người. Theo quy luật đó, lịch sử xã hội loài người từ trước đến nay đã và đang phát triển qua các hình thái kinh tế - xã hội: Cộng sản nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa. Nhưng, sự phát triển của lịch sử nhân loại từ trước đến nay đã chứng minh một một thực tế: trong từng điều kiện cụ thể cho phép, ở một quốc gia nào đó thì không nhất thiết phải phát triển tuần tự qua tất cả các hình thái kinh tế - xã hội, mà có thể bỏ qua một hoặc vài hình thái kinh tế - xã hội để phát triển lên hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, ưu việt hơn.

Vận dụng phương pháp luận đó vào luận giải quy luật phát triển của cách mạng vô sản, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra hai khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội: 1) quá độ trực tiếp từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; 2) quá độ gián tiếp bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, trong điều kiện lịch sử mới, trên cơ sở kế thừa những thành quả nghiên cứu của C.Mác, V.I.Lênin cho rằng: “với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô - Viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(3).

Theo các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênnin, chỉ bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội này để phát triển lên hình thái kinh tế - xã hội cao hơn khi có các điều kiện: 1) đã xuất hiện mô hình xã hội mới tỏ ra ưu việt, tiến bộ hơn; 2) chế độ xã hội hiện tồn đã thối nát và lạc hậu; 3) đã xuất hiện giai cấp đủ khả năng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng thời các ông cũng chỉ ra: đối với những nước lạc hậu việc lựa chọn con đường quá độ đi lên chủ nghĩa cộng sản sẽ dễ dàng hơn những nước tư bản phát triển, nhưng để đạt được nó - xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội sẽ khó khăn hơn, lâu dài hơn, phức tạp hơn và phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, trong quá trình đó đôi lúc cũng phải trả những giá đắt cho những sai lầm do giáo điều, duy ý chí, nóng vội…

Từ những vấn đề trên đây cho thấy, Việt Nam lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn có cơ sở, hoàn toàn phù hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều ấy được kiểm chứng rõ trong tính đặc thù của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, sau khi giành được độc lập đã bỏ qua sự phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đi lên chủ nghĩa xã hội, sự lựa chọn tất yếu của lịch sử

Đi lên chủ nghĩa ở Việt Nam là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta do Hồ Chủ tịch sáng lập và rèn luyện. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được đặt ra ngay từ đầu và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối của Đảng, là quy luật của cách mạng Việt Nam.


Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh quán triệt một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chúng ta đều thấy rõ, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đã có những cuộc thử nghiệm lịch sử để lựa chọn con đường đi cho dân tộc. Song, các phong trào yêu nước từ lập trường phong kiến, đến lập trường dân chủ tư sản, tiểu tư sản đều không thành công. Cuối cùng, xã hội vẫn rơi vào bế tắc, khủng hoảng về đường hướng phát triển.

Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta lần lượt thất bại, với tinh thần yêu nước, thương dân vô bờ bến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Trong nhiều năm bôn ba khắp 5 châu, 4 biển, nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa, Người nhận thấy: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(4), “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”(5), “Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức”(6). Theo Người, cách mạng giải phóng dân tộc không thể đi theo cách mạng tư sản, cách mạng tư sản không phải là hướng đi của Nhân dân Việt Nam.

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Từ đây, Người tìm thấy ánh sáng chân lý của thời đại, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đó là: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(7).

Sau khi lựa chọn con đường cách mạng vô sản, con đường Cách mạng Tháng Mười Nga của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc bắt tay vào quá trình truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản về nước làm chuyển biến các phong trào đấu tranh trong nước từ chỗ tự phát đến tự giác; gây dựng nên các tổ chức cách mạng: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Năm 1930, trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cộng sản đã nêu, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên Đảng ta đã khẳng định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(8), Cương lĩnh tháng 10/1930, Đảng xác định rõ: “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà đấu tranh thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”(9). Đây chính là sự lựa chọn dứt khoát, duy nhất đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhân dân ta.

Với sự lựa chọn đúng đắn ngay từ đầu ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh bại hai đế quốc Pháp và Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; và sau đó tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế. Đó là những bằng chứng thực tế chứng minh tính đúng đắn của con đường cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người đã tìm đường, mở lối và dẫn đường cho dân tộc Việt Nam. Qua mỗi bước ngoặt lịch sử, chúng ta luôn khẳng định quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mới đây, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”(10).

Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội, phù hợp với xu thế khách quan của thời đại

Trong thời đại hiện nay, các quốc gia dân tộc chỉ có hai lựa chọn: hoặc, theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, hoặc, là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn con đường nào phụ thuộc vào nhận thức và hoàn cảnh lịch sử, cụ thể của mỗi quốc gia dân tộc. Nhưng, xu hướng phát triển chung là các quốc gia dân tộc đều đi lên chủ nghĩa xã hội, dù cho con đường đó diễn ra lâu dài, gian khổ và cách thức tiến hành không giống nhau. V.I.Lênin đã từng khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là điều không tránh khỏi đối với tất cả các quốc gia.

Cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy, chủ nghĩa tư bản không phải và không bao giờ là nấc thang phát triển cao nhất của xã hội loài người. Trên thực tế hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới đang đi theo con đường tư bản chủ nghĩa dưới những hình thức khác nhau. Và cũng không thể phủ nhận, hiện nay, chủ nghĩa tư bản nhất là ở một số nước tư bản phát triển đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học và công nghệ; có sự điều chỉnh nhất định về sở hữu, an sinh xã hội… làm cho diện mạo của chủ nghĩa tư bản khác nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ nghĩa tư bản không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó, do vậy các cuộc khủng hoảng về nhiều mặt tiếp tục diễn ra. Chẳng hạn như khủng hoảng trong việc giải quyết dịch bệnh COVID -19, hay chiến sự Nga - Ucraina hiện nay đang làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn, xung đột, bạo lực dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, biểu tình, bãi công… không chỉ ở thế giới tư bản, mà còn đặt ra nhiều thách thức vô cùng to lớn cho sự tồn vong và phát triển của nhân loại. Hậu quả nhãn tiền của nó là: một châu Phi đói, một châu Á nghèo, một châu Mỹ nợ nần chồng chất và một châu Âu chia rẽ, khủng hoảng kinh tế và bất ổn an ninh - chính trị,… Đó chính là bản chất của chủ nghĩa tư bản. Cho dù chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Tất cả điều đó là những minh chứng không thể bác bỏ cho thấy những tiền đề cho sự phủ định chủ nghĩa tư bản đang ngày càng chín muồi trong lòng chính nó.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải là sự “cáo chung” của chủ nghĩa xã hội, nó cũng không phải do chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời như các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hằng rêu rao, thoá mạ, mà đó là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đổi mới, cải cách để tìm kiếm những mô hình phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của dân tộc mình. Công cuộc cải cách của Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; công cuộc đổi mới của Việt Nam, Lào, Cuba và một số trào lưu xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Ngay các học giả tư sản khi bàn về tương lai của xã hội loài người, tuy không trực tiếp khẳng định đó là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản nhưng những dự đoán, mô hình, tiêu chí của xã hội hậu tư bản mà họ đề cập chứa đựng những yếu tố cơ bản của chủ nghĩa xã hội, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, là một xã hội quan tâm đến cuộc sống của con người, là xu thế sống hài hòa với thiên nhiên, môi trường sống…

Như vậy, tương lai của xã hội loài người không phải là chủ nghĩa tư bản hay xã hội nào khác mà chính là chủ nghĩa xã hội với bản chất tốt đẹp: tất cả vì con người, vì sự phát triển, bền vững hài hòa giữa con người và môi trường sống.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Trước sau như một, nhân dân ta vẫn kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là mục tiêu chiến đấu 60 năm qua của Đảng và nhân dân ta. Con đường chúng ta lựa chọn phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của thời đại”(11) và nhận định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”(12).

Chủ nghĩa xã hội vừa là mục đích trước mắt của cách mạng Việt Nam đồng thời là con đường tiến hóa tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Đi lên chủ nghĩa xã hội, khát vọng của Dân tộc Việt Nam

Ước mơ, khát vọng ngàn đời của con Lạc, cháu Hồng là đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất, phát triển, nhân dân có cuộc sống tự do, hạnh phúc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Dân tộc ta phải trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh với quyết tâm chống lại ách đô hộ và xâm lược của thực dân, đế quốc, để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Việt Nam đã trở thành một tấm gương mẫu mực trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Thuở sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(13). Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực hiện được ước mơ lâu đời của nhân dân lao động là vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho nhân dân lao động quyền làm chủ đầy đủ, mới trả lại giá trị chân chính cho con người. Có chủ nghĩa xã hội Tổ quốc ta mới có kinh tế hiện đại, văn hóa khoa học tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, do đó bảo đảm cho đất nước ta vĩnh viễn độc lập tự do và ngày càng phát triển phồn vinh. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm cho Tổ quốc ta thống nhất ở trình độ cao nhất và đầy đủ nhất, thống nhất về lãnh thổ, chính trị và tinh thần, về kinh tế, văn hóa xã hội, thống nhất về quyền lợi và nghĩa vụ, mọi người đoàn kết, thương yêu nhau một cách chân thành và thắm thiết (14). Bởi vì, “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm…”(15)

Trong giai đoạn hiện nay, ý chí, khát vọng của người dân Việt Nam vẫn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các nước trên thế giới, có vị thế xứng đáng trên bản đồ thế giới, có trách nhiệm cao trong giải quyết các vấn đề toàn cầu phù hợp với các nguyên tắc, hiến chương của Liên hợp quốc. Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mang lại cho đất nước cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế cao. Người dân Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội - con đường mà Bác Hồ, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Điều này đồng nghĩa với việc đi lên chủ nghĩa xã hội là ý chí, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam hiện nay và mãi về sau.

Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn, đúng quy luật của lịch sử nhân loại, là sự lựa chọn sáng suốt có ý nghĩa thời đại, thể hiện trí tuệ anh minh, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn Dân tộc ta. Mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận thức và vận dụng trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể với những nhiệm vụ, bước đi và phương pháp phù hợp. Thực tiễn cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta trong hơn 90 năm qua là quá trình thực hiện và hoàn thiện dần mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam đã chứng minh sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt con đường đi lên chủ nghĩa xã hội - mục tiêu của nhân loại tiến bộ trong thời đại ngày nay.

Dẫu rằng nhân loại đang đứng trước vô vàn những biến đổi mau lẹ và vô cùng sâu sắc, song chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định: đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; chủ nghĩa xã hội vẫn là tương lai của xã hội loài người; vẫn là ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Thực tiễn đã minh chứng rất rõ ràng điều đó. Mọi tư tưởng và hành động thù địch, phản động, sai trái phủ nhận, xuyên tạc, cản trở sự lựa chọn chân chính đó của Dân tộc Việt Nam phải bị vạch trần, lên án và đấu tranh bác bỏ./.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/ban-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-su-lua-chon-dung-dan-cua-viet-nam-95480.html

Tin cùng chuyên mục   Quản lý thị trường
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Tin tức mới nhất
Ngày 8/5, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế giấy và bao bì Việt Nam - VPPE 2024, lễ vinh danh các bao bì đạt Giải thưởng bao bì Việt Nam 2024 đã diễn ra và Sản phẩm bao bì DR.CACI ứng dụng công nghệ chống hàng giả của Vina CHG tự hào được nhận danh hiệu giải thưởng “Bao bì sáng tạo” do Hiệp Hội Bao Bì Việt Nam trao tặng.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.