Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong năm qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan trong công tác chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng địa phương, cụ thể ở một số kết quả nổi bật như:
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra: 1.158 vụ, xử lý 603 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính nộp NSNN là gần 3,1 tỷ đồng, trong đó, trị giá hàng tiêu hủy gần 900 triệu đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 04 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhập lậu, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng địa phương.
Cục QLTT Hà Nam hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023
Trong những đợt cao điểm thị trường như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu, Cục QLTT cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm do UBND tỉnh thành lập. Ở tuyến huyện, các Đội QLTT chủ trì hoặc tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm do UBND huyện thành lập, thực hiện kiểm tra việc bảo đảm các quy định trong kinh doanh về an toàn thực phẩm, góp phần duy trì trật tự, kỷ cương, giúp nhân dân mua sắm an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đợt cao điểm thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, lực lượng QLTT đã xử lý 100 vụ vi phạm, trong đó số vụ đã xử lý vi phạm hành chính: 99 vụ, số vụ chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 01 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính: 318.625.000 đồng.
Đặc biệt trong thời gian thị trường xăng dầu có nhiều biến động, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hà Nam trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, Cục QLTT đã chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện giám sát 24/7 (kể cả ngày nghỉ và ngày lễ) đối với hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình trên địa bàn, khi phát hiện hành vi vi phạm, thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật -CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ; phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; ký cam kết với 07 thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Nam về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; đồng thời công khai thông tin đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, tố giác của người dân tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; kiểm tra, xử lý 05 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm, xử phạt VPHC tổng số tiền 211.718.000 đồng, tịch thu hơn 6.000 lít dầu diesel không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó, tại địa bàn tỉnh, về cơ bản không có tình trạng cây xăng đóng cửa, ngừng bán hàng, nguồn cung xăng dầu đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… tại địa bàn. Cụ thể, trong năm 2022, Cục QLTT tỉnh đã treo 90 băng rôn tuyên truyền, phát trên 5.000 tờ rơi cho người dân tại các tuyến phố, phường, trung tâm xã, thị trấn, các địa điểm tập trung đông người, trong đó công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác của nhân dân đối với các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện xử lý thông tin tiếp nhận được theo quy định, góp phần phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, của người tiêu dùng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; phát hiện những vụ việc vi phạm điển hình được dư luận và nhân dân đánh giá cao như: vụ việc kiểm tra, phát hiện hàng trăm kg mì chính giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto của Đội QLTT số 1; vụ việc thu giữ hơn 6.000 lít dầu diesel không rõ nguồn gốc xuất xứ; vụ việc phát hiện và xử lý gần 1.000 chai nước hoa giả mạo nhãn hiệu Chanel…
Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2023, để làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, căn cứ Kế hoạch số 3036/KH-UBND của UBND tỉnh Hà Nam về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam xác định tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác, đồng thời, kết hợp kiểm tra, xử lý với đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật bảo vệ người tiêu dùng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Thêm vào đó, đơn vị cũng xác định xu hướng phát triển hiện nay, hoạt động kinh doanh hàng hóa bằng phương thức thương mại điện tử ngày càng phát triển, do đó, việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… khá phổ biến, đơn vị đã chỉ đạo các Đội QLTT tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nắm cơ sở dữ liệu, rà soát các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn để đưa vào theo dõi, quản lý; tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật, không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường