Hồ Chí Minh,

Đấu tranh, phản bác chống lại những luận điệu xuyên tạc về phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trạng thái “Bình thường mới” và vai trò quan trọ

Định Khang  18/04/2023 17:42

Phát triển kinh tế (PTKT) nhanh và bền vững trong nền kinh tế toàn cầu hóa luôn là một yêu cầu tất yếu khách quan của mọi quốc gia, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến khó lường. Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức được tầm quan trọng của đường lối PTKT nhanh và bền vững trong trạng thái “bình thường mới”, các chính sách PTKT trong trạng thái “bình thường mới” đã và đang đạt được mục tiêu đề ra, thể hiện tầm nhìn và khát vọng phát triển của cả dân tộc. Với ý nghĩa thiết thực đó, hơn lúc nào cộng đồng dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước chung tay góp sức đấu tranh, phản bác chống lại những luận điệu xuyên tạc về PTKT nhanh và bền vững trong trạng thái “bình thường mới”.


Thực tế, việc chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta nói chung và chống phá quan điểm PTKT nhanh và bền vững nói riêng luôn diễn ra dưới mọi hình thức của của các thế lực phản động, đặc biệt kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và bùng phát thì các đối tượng thù địch càng ra sức lợi dụng tình hình để chống phá. Ở mỗi giai đoạn, các đối tượng lại mở các “đợt chiến dịch cao điểm” với quy mô khác nhau nhắm vào những vấn đề thời sự nóng, nổi cộm để người dân có những suy nghĩ, quan điểm không đúng về Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ, mất đoàn kết, mất niềm tin và hướng lái dư luận theo ý đồ của chúng. Tựu chung việc chống phá vấn đề PTKT nhanh và bền vững của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay thể hiện với các nội dung chủ đạo như cho rằng mô hình PTKT nhanh và bền vững là không có cơ sở khi chúng ta thực hiệnđường lối phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN;luận điệu kinh tế Việt Nam phát triển không bền vững, chỉ chú trọng PTKT mà không quan tâm phát triển văn hóa xã hội hay bảo vệ môi trường; xuyên tạc về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (KTNN) trong tiến trình PTKT nhanh và bền vững; phủ nhận thành tựu PTKT nhanh và bền vững trong trạng thái “bình thường mới”, phủ nhận kết quả thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi và PTKT - xã hội của Đảng và Nhà nước ta...

Một là, Chống lại những quan điểm sai trái, xuyên tạc cho rằng mô hình PTKT nhanh và bền vững là không có cơ sở khi chúng ta thực hiện đường lối PTKT thị trường định hướng XHCN

Cho rằng mô hình PTKT nhanh và bền vững của Việt Nam là không có cơ sở, các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc đường lối PTKT thị trường định hướng XHCN, chúng rêu rao rằng không có nền kinh tế nào là nền KTTT định hướng XHCN; KTTT và định hướng XHCN là những phạm trù, yếu tố đối lập nhau, hoàn toàn loại trừ nhau; không có cơ sở khoa học để ghép KTTT vào với định hướng XHCN, đây là sự gán ghép chủ quan; kết hợp KTTT và định hướng XHCN thì nền kinh tế không thể nào phát triển hoặc nếu có phát triển thì chỉ phát triển ngắn hạn nhất thời không bền vững... tất cả những luận điệu trên thực ra là chúng đang tìm mọi cách chứng minh rằng khi chúng ta thực hiện đường lối PTKT thị trường định hướng XHCN thì nền kinh tế không thể phát triển nhanh và bền vững được, xa hơn nữa chúng muốn suy diễn rằng “Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) không nên và không thể lãnh đạo nền kinh tế”.

Có thể khẳng định những người nói trên đã cố tình không hiểu bản chất và các quy luật của cơ chế thị trường, đặc biệt là những khuyết tật của nền KTTT. Ngày nay, tất cả các nước tư bản phát triển trên thế giới với nền KTTT hiện đại đều có sự quản lý bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường.

PTKT nhanh và bền vững trên nền thể chế KTTT định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn và sáng tạo của ĐCSVN nhằm hạn chế những khuyết tật của KTTT. Định hướng XHCN của nền KTTT được bảo đảm bằng vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do ĐCSVN lãnh đạo qua hệ thống pháp luật, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để tạo ra môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, tạo động lực PTKT nhanh và bền vững; gắn kết PTKT với phát triển văn hóa xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp với trình độ PTKT; thể hiện ở quan hệ phân phối tốt nhất để mọi người đều được hưởng thành quả phát triển đất nước. Đảng lãnh đạo kinh tế bằng cách tạo ra bảo đảm chính trị cho hoạt động kinh tế, trong mọi chiến lược phát triển Đảng chủ trương “PTKT và xã hội là trung tâm, là mắt xích chủ yếu, quan trọng”.

Thực tế đã khẳng định từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đến nay, thể chế KTTT định hướng XHCN ngày càng được phát triển và hoàn thiện, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh những nội dung quan trọng của nội hàm này để từ đó thống nhất cách hiểu và thực hiện: "KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNHX. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do ĐCSVN lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước(1). Thể chế này đã giúp đất nước ta thoát khỏi thời kỳ khó khăn và đạt tốc độ tăng trưởng cao được cả thế giới ngưỡng mộ, đặc biệt trong thời kỳ phải đối mặt với đại dịch COVID-19 nhờ chính sách ứng phó linh hoạt với COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh tế đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Nhiều tổ chức kinh tế quốc tế đã có cái nhìn lạc quan nhất về nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,9% trong năm 2022 và 6,5% vào năm 2023(2); Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6,5% và đạt mức 7% vào năm 2023 (3).

Trong năm 2022, các nền kinh tế từng bước mở cửa trở lại, dù vẫn ghi nhận những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh mới (như bệnh đậu mùa khỉ); Xung đột Nga - Ukraina bùng phát từ tháng 2-2022 và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến đà phục hồi của chuỗi cung ứng, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng cao, an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều nước, kể cả các nền kinh tế hàng đầu bị đe dọa. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022(4) do nền kinh tế khôi phục trở lại.

Thực tiễn đó đã trả lời rõ ràng mô hình PTKT nhanh và bền vững là hoàn toàn có cơ sở, đồng thời khẳng định tính đúng đắn, khoa học của đường lối phát triển KTTT định hướng XHCN của Đảng ta trong bối cảnh mới gắn liền với tiến trình PTKT nhanh và bền vững; đồng thời kết quả PTKT của đất nước cũng đã khẳng định những luận điệu tuyên truyền trên là xuyên tạc, kích động, chúng ta cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ quan điểm sai trái này.

Hai là, Đấu tranh chống lại luận điệu kinh tế Việt Nam không thể phát triển hoặc nếu phát triển thì không bền vững, chỉ chú trọng PTKT mà không quan tâm phát triển văn hóa xã hội hay bảo vệ môi trường;

Những năm qua, các thế lực thù địch vẫn luôn cho rằng khi Việt Nam thực hiện đường lối PTKT thị trường định hướng XHCN thì nền kinh tế không thể phát triển được hoặc nếu có thì sự phát triển chỉ nhất thời từng giai đoạn, không bền vững, chúng cho rằng chúng ta chỉ chú trọng đến PTKT mà không hề quan tâm phát triển văn hóa xã hội hay vấn đề bảo vệ môi trường. Âm mưu, thủ đoạn của chúng là muốn tiến tới xóa bỏ nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.

Quan niệm PTKT nhanh và bền vững dựa trên thể chế nền KTTT định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng của hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển của thế giới. Đảng ta ngay từ đầu đã kết hợp PTKT gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường, con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm của mọi chiến lược phát triển. Văn kiện Đại hội XIII trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì vấn đề “thể chế phát triển bền vững” được đặt ra lần đầu tiên, trong đó chỉ rõ: "Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: PTKT - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên" (5). Phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mối quan hệ lớn “Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” được bổ sung thêm thành tố “bảo vệ môi trường”. Chiến lược PTKT - xã hội 2021 - 2026 tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững…; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu(6). Như vậy phát triển văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường được Đảng ta đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, điều đó đã phủ nhận những quan điểm phiến diện chỉ ưu tiên PTKT của các thế lực thù địch. Chúng ta thực hiện phát triển bền vững, sáng tạo vì mục tiêu con người, trong đó PTKT nhanh và bền vững giữ vị trí trung tâm, đây chính là phương sách tối ưu duy nhất để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ với quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 trong bối cảnh toàn cầu hóa đã nhanh chóng giúp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trong khu vực cũng như trên thế giới, phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong giai đoạn từ 2009 đến 2019 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt 7%/năm, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD (7). Trong những giai đoạn khủng hoảng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng GDP dương (năm 2020 đạt 2,91% (8), năm 2021 đạt 2,58% (9) , năm 2022 đạt 8,02% (10)), điều này đã thể hiện sức chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế . Sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế còn thể hiện ở tầm nhìn phát triển vươn tầm cao hơn hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 (11), phát triển theo hướng xanh hơn với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 (12). Trong điều kiện của nước ta hiện nay, giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững có mối quan hệ biện chứng với nhau, phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo điều kiện, nguồn lực cho phát triển bền vững; giải quyết hài hòa mối quan hệ này phản ánh tính khoa học, ưu việt, chủ nghĩa nhân văn cao cả của CNXH mà Việt Nam đang xây dựng.

Ba là, Đấu tranh, bác bỏ luận điệu sai trái, xuyên tạc về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (KTNN) trong tiến trình PTKTnhanh và bền vững

Không thể phủ nhận được tính khoa học của thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta, các thế lực phản động quay sang truyên truyền xuyên tạc vai trò chủ đạo của KTNN trong tiến trình PTKT nhanh và bền vững của chúng ta. Chúng núp bóng danh nghĩa những nhà doanh nhân, chuyên gia kinh tế đưa ra những luận điệu như vai trò chủ đạo của KTNN đối với nền kinh tế là thiếu thực tế; KTNN giữ vai trò chủ đạo sẽ thủ tiêu cạnh tranh, làm sản xuất kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả, gây thất thoát nên cần giải thể các doanh nghiệp nhà nước (DNNN); đánh đồng khái niệm KTNN và DNNN, coi sự yếu kém của bộ phận DNNN là sự yếu kém của KTNN, thậm chí còn phủ nhận vai trò chủ đạo của KTNN; đánh đồng vai trò chủ đạo của thành phần KTNN với vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước... gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế.

KTNN khi giữ vai trò chủ đạo trong nền KTTT định hướng XHCN không thủ tiêu cạnh tranh mà còn là nhân tố thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế đặt ra yêu cầu khách quan là phải thực hiện đầy đủ các quy luật KTTT trong nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta. Đảng chủ trương các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Như vậy có thể khẳng định Đảng và Nhà nước ta không ưu ái thành phần KTNN, DNNN hoạt động theo cơ chế tự chủ sản xuất kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, chịu sự điều tiết của các quy luật KTTT theo định hướng XHCN. KTNN và DNNN là hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất, DNNN chỉ là một bộ phận cấu thành của KTNN, nội hàm của KTNN rộng hơn và bao quát hơn DNNN. Đảng ta đã khẳng định thành phần KTNN không lãnh đạo các thành phần kinh tế khác mà là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó KTNN giữ vai trò chủ đạo”(13);KTNN là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy PTKT xã hội, khắc phục các “khuyết tật” của cơ chế thị trường. Các nguồn lực KTNN được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo cơ chế thị trường. DNNN tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng – an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế(14).

Thực tế đã chứng minh, KTNN ngày càng được phát huy được vai trò và khẳng định được vị thế chủ đạo của mình trong các thành phần kinh tế, số lượng DNNN ít nhưng thuế và các khoản đã nộp lại cao nhất trung bình 104 tỷ đồng/doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2020(15). Ngoài mục tiêu lợi nhuận, KTNN khác các thành phần kinh tế ở chỗ còn phải đảm nhận thêm mục tiêu phi lợi nhuận hay mục tiêu cộng đồng. Khi kinh tế thế giới suy thoái do dịch bệnh và thiên tai, nhờ sức mạnh của KTNN mà Việt Nam bảo đảm cân đối vĩ mô nền kinh tế, khắc phục các khuyết tật của KTTT, góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng khá cao, bảo đảm an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng. Giai đoạn 2020 – 2030 các DNNN tiếp tục được đổi mới, sắp xếp, củng cố theo hướng tiếp tục giữ vững và nâng cao vị thế của KTNN, với mục tiêu đến năm 2035 có ít nhất 5 tập đoàn, tổng công ty nhà nước phát triển lên tầm cỡ khu vực và quốc tế (16).

Bốn là, Đấu tranh chống lại những quan điểm sai lệch, phiến diện, phủ nhận thành tựu PTKT nhanh và bền vững trong trạng thái “bình thường mới”, phủ nhận kết quả thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi và PTKT - xã hội của Đảng và Nhà nước ta...

Những năm gần đây các thế lực thù địch tập trung chống phá việc PTKT xã hội của Việt Nam, phủ nhận thành tựu trong PTKT nhanh và bền vững trong trạng thái “bình thường mới”, lợi dụng những bất cập, hạn chế của nền kinh tế nước ta để xuyên tạc, chống phá. Các đối tượng chống đối chính trị, đối tượng phản động luôn tỏ thái độ hằn học, tâm địa không trong sáng, triệt để lợi dụng những khó khăn, bất cập trong đời sống xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá sự nghiệp xây dựng CNXH của nhân dân ta. Chúng phi nhân tính đến mức lợi dụng chính những mất mát không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đang phải gánh chịu trong cuộc chiến phòng, chống đại địch COVID-19 để xuyên tạc, chống phá.

Có thể thấy mỗi khi Chính phủ đưa ra chính sách, chủ trương mới trong quá trình thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch và PTKT, dù không hiểu rõ về các chính sách đó nhưng nhiều đối tượng chống đối lại nhanh chóng đưa ra các quan điểm trái chiều gây phân tâm dư luận, đăng tải nhiều bài viết sai lệch, phiến diện khiến cho người đọc hiểu sai lệch về chính sách, về kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam. Đó là những thủ đoạn dơ bẩn không thể chấp nhận được xét cả về phương diện chính trị, kinh tế và đạo đức, cần vạch trần, bác bỏ như như: vu cáo việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tổ chức các khu cách ly tập trung (F0, F1) là vi phạm nhân quyền; xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhân viên y tế, cán bộ; xuyên tạc sự tăng cường lực lượng chống dịch của chiến sĩ Quân đội, Công an; vu cáo Việt Nam không đủ nguồn lực dập dịch, phải kêu gọi sự đóng góp của nhân dân, mà về thực chất là “bòn rút của nhân dân”; suy diễn, quy chụpcho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng các đợt dịch bùng phát gây nhiều thiệt hại về người và của do “Đảng, Nhà nước thờ ơ, bỏ mặc dân”, do thể chế chính trị của Việt Nam; Đến giai đoạn này khi dịch bệnh bước vào giai đoạn mới với quan điểm thích ứng an toàn, những luận điệu chống phá lại chuyển sang hướng chỉ trích như suy diễn cho rằng việc giấu giếm thông tin hay công bố bao nhiêu ca nhiễm là “vấn đề chính trị chứ hoàn toàn không phải thuộc về chuyên môn”; phủ nhận thành tựu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa PTKT - xã hội, từ đó phủ nhận thành tựu PTKT nhanh và bền vững trong trạng thái “bình thường mới” của Đảng và Nhà nước ta...

Đây là cái nhìn phiến diện của những kẻ cố tình không hiểu tình hình Việt Nam, đi ngược lại lợi ích dân tộc, cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật, phủ nhận những thành quả phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn cho thấy, từ cuối năm 2019 đến nay, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hoành hành, khiến nhiều quốc gia trên thế giới và ngay cả những nước có tiềm lực kinh tế và hệ thống y tế được coi là hiện đại nhất cũng đã lâm vào tình cảnh lao đao. Đối với nước ta, ngay từ đầu, do đánh giá đúng tình hình và nhận thức rõ sự nguy hiểm của đại dịch, Đảng và Nhà nước đã đề ra chiến lược nhằm kiểm soát và tránh sự lây lan trên diện rộng. Với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trở thành điểm sáng được bạn bè quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao. COVID-19 là loại virus mới với nhiều biến thể phức tạp, mức độ lây nhiễm trong cộng đồng nhanh, tỷ lệ tử vong rất cao… tạo nhiều hệ lụy mới chưa hề có trong tiền lệ. Trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phòng, chống dịch với tinh thần kịp thời và quyết liệt nhất theo phương châm lấy bảo vệ tính mạng của nhân dân là trên hết. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam đã tạo được nguồn vaccine tiêm miễn phí cho toàn dân, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho các nước, đóng góp kinh phí vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của WHO, thể hiện trách nhiệm, tinh thần nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đối với quốc tế. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết với các gói hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng để giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch (như Nghị quyết 68/NĐ-CP (17), Quyết định 23 (18)...). Chính phủ kịp thời chuyển đổi chiến lược từ "không có COVID" sang hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", chấp nhận có F0 trong cộng đồng, giảm thiểu tử vong, kiềm chế số ca mắc, để PTKT một cách an toàn, nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP (19) và điều này được thực tiễn đánh giá là đúng hướng, kịp thời, hiệu quả.

Với tính ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta cộng với truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc được phát huy cao độ đã giúp Việt Nam cơ bản kiểm soát được các đợt dịch bùng phát, đồng thời tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn giữ được ở mức tăng trưởng dương và nằm trong mức cao nhất trên thế giới. Điều đó đã thể hiện khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế, khẳng định tính nổi trội của chế độ chính trị ở Việt Nam mà không thế lực nào có thể xuyên tạc. Mục đích cuối cùng trong mọi chính sách phòng, chống COVID-19 của Đảng, Nhà nước ta đều là giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của đại dịch đến tính mạng của nhân dân, đồng thời phải thích ứng, linh hoạt PTKT, xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo giữ vững vai trò, vị thế của Việt Nam. Tuy nhiên các thế lực thù địch vẫn luôn đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm phủ định thành quả thực hiện mục tiêu kép vừa PTKT nhanh bền vững, vừa phòng chống dịch hiệu quả của ta, những luận điệu sai trái đó cần phải đấu tranh, bác bỏ kịp thời.

Vai trò quan trọng của Bộ Công thương, của Tổng Cục Quản lý thị trường (thuộc Bộ Công Thương) đối với ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và PTKT xã hội.

Hiện nay các quốc gia bước đầu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 đều lần lượt tiến hành mở cửa hồi phục nền kinh tế nên nhu cầu nguyên nhiên vật liệu gia tăng, bên cạnh đó do chịu ảnh hưởng từ diễn biến xung đột địa chính trị trên thế giới đã làm cho giá nhiều loại hàng hóa tiếp tục có xu hướng tăng cao và vượt xa dự đoán, đặc biệt là các mặt hàng nhiên liệu thiết yếu như xăng dầu. Lợi dụng tình hình đó các thế lực phản động quy kết việc tăng giá là do đường lối PTKT nhanh và bền vững của Đảng ta không đúng, sự điều hành của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành là yếu kém, hòng tạo ra mâu thuẫn giữa Đảng với nhân dân, gây mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Trên thực tế Nhà nước ta luôn chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Đến nay, các giải pháp, biện pháp quản lý điều hành giá đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, bước đầu đã có được những kết quả nhất định, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm. Với chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các Bộ Ngành liên quan để điều hành giá các loại hàng hóa một cách đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời; bảo đảm giá trong nước luôn bám sát diễn biến giá cả của thị trường thế giới (20), (21), (22), (23), (24). Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định (25), (26), (27), (28). Chính nhờ phát huy được vai trò quản lý của nhà nước trong điều hành giá nên giá các mặt hàng nhiên liệu thiết yếu ở Việt Nam như xăng dầu mặc dù tăng nhưng được điều hành ở mức thấp hơn nhiều so với mức tăng của thị trường thế giới, qua đó góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và PTKT xã hội.

Như vậy những luận điệu mà các đối tượng thù địch đưa ra đều với mục đích xấu nhằm tạo ra làn sóng dư luận đi ngược lại với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho người dùng mạng khi tiếp cận với các nguồn thông tin, cần có sự tỉnh táo nhận diện, kiểm chứng, không cổ súy, hùa theo quan điểm sai trái, nguy hại. Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa PTKT, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội... được nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thực tế đó, hoàn toàn bác bỏ những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận thành quả vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa PTKT của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Kết Luận

Mục tiêu PTKT nhanh và bền vững luôn là một yêu cầu tất yếu khách quan của tất cả các quốc giatrong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và dưới tác động mạnh mẽ, rộng lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt hiện nay vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết, mang tính toàn cầu và là thách thức lớn của sự phát triển nhân loại trong bối cảnh hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang hoành hành với diễn biến khó lường. Nhận thức được tầm quan trọng của đường lốiPTKT nhanh và bền vững trong trạng thái “bình thường mới”,trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, đặc biệt là văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành tố “Phát triển nhanh và bền vững đất nước” được quan tâm đề cập, bổ sung và hoàn thiện, nâng cao “chất lý luận” mang tính chiến lược thời đại đến giữa thế kỷ XXI và tầm nhìn xa hơn nữa. Chính chất lý luận tầm thời đại đó đã tạo nền tảng thực tiễn cho các chính sách PTKT của nước ta trong “tình hình mới” đạt được mục tiêu đề ra, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân tộc và thể hiện tầm nhìn và khát vọng phát triển của cả dân tộc Việt Nam. Trên thực tế, mặc dù thời gian qua chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, quy mô nền kinh tế tăng nhanh nhưng điểm xuất phát còn khá thấp, khoảng cách phát triển so với các nước trên thế giới còn cách xa. Vì vậy trong giai đoạn tới, để thực hiện thành công, hiệu quả đường lối, quan điểm PTKT nhanh và bền vững trong bối cảnh mới, tình hình mới, Đảng ta xác định chủ đề chiến lược phát triển là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030(29 )là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045(30) trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Chiến lược này có thể thực hiện thành công thì hơn lúc nào hết, cộng đồng dân tộc Việt Nam, đồng bào trong và ngoài nước phải cùng chung tay góp sức đấu tranh, phản bác chống lại những luận điệu xuyên tạc về PTKT nhanh và bền vững trong trạng thái “bình thường mới”./.

-------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 128.

(2) Báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022)”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), công bố ngày 6/4/2022.

(3) Báo cáo "Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN + 3 năm 2022”, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO), công bố ngày 12/4/2022.

(4) Tổng cục thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Hà Nội, 2022

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr.33-34.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 214

(7) Niên giám Thống kê giai đoạn 2009 – 2019, Tổng cục Thống kê.

(8) Niên giám Thống kê năm 2020, Tổng cục Thống kê.

(9) Niên giám Thống kê năm 2021, Tổng cục Thống kê.

(10) Niên giám Thống kê năm 2021, Tổng cục Thống kê.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 14.

(12) Quyết định số 1658 / - TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.

(13), (14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 129.

(15) Niên giám Thống kê giai đoạn 2009 – 2019, Tổng cục Thống kê.

(16) Tờ trình về Chiến lược Tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035 gửi Thủ tướng Chính phủ.

(17) Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

(18) Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

(19) Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ: Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

(20) Chỉ thị số 08/CT-BCT, ngày 04/10/2022 của Bộ Công thương về việc nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành tại Bộ Công thương.

(21) Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04/11/2022 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong Kinh doanh xăng dầu;

(22) Công điện số 7322/CĐ-BCT ngày 17/11/2022 của Bộ Công Thương về việc giám sát việc thực hiện cam kết; nghiêm túc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu;

(23) Công điện số 383/CĐ-BCT, ngày 20/01/2023 của Bộ Công thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

(24) Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu;

(25) Công văn số 240/TCQLTT-CNV ngày 23/02/2022 của Tổng Cục Quản lý thị trường về việc tăng cường công tác kiểm ra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu;

(26) Công văn số 1825/TCQLTT-CNV ngày 09/10/2022 của Tổng Cục Quản lý thị trường về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu;

(27) Công văn số 2105/TCQLTT-CNV ngày 14/11/2022 của Tổng Cục Quản lý thị trường về việc thực hiện ngay việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân phân phối;

(28) Công văn số 548/TCQLTT-CNV, ngày 23/03/2023 của Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương về việc kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng xăng dầu.

(29) Năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

(30) Năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/dau-tranh-phan-bac-chong-lai-nhung-luan-dieu-xuyen-tac-ve-phat-trien-kinh-te-nhanh-va-ben-vung-trong-trang-thai-binh-thuong-moi-va-vai-tro-quan-tro-95336.html

Tin cùng chuyên mục   Quản lý thị trường
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Tin tức mới nhất
Ngày 8/5, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế giấy và bao bì Việt Nam - VPPE 2024, lễ vinh danh các bao bì đạt Giải thưởng bao bì Việt Nam 2024 đã diễn ra và Sản phẩm bao bì DR.CACI ứng dụng công nghệ chống hàng giả của Vina CHG tự hào được nhận danh hiệu giải thưởng “Bao bì sáng tạo” do Hiệp Hội Bao Bì Việt Nam trao tặng.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.