Năm 2022, với sự chỉ đạo kịp thời, đồng bộ từ Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/TTH, Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã thường xuyên chỉ đạo các Phòng, Đội trực thuộc căn cứ chức năng nhiệm vụ, chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bám sát tình hình thị trường, tập trung vào các chỉ thị, kế hoạch cao điểm, kiểm tra các mặt hàng trọng điểm.
Văn minh thương mại ngày càng được củng cố
Nhìn chung tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2022 vẫn duy trì sự ổn định: giá bán hàng hóa không có biến động lớn, lượng hàng hóa cung ứng luôn dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thiên tai…giá cả ổn định. Tình hình thị trường xăng dầu trên địa bàn ổn định, đảm bảo nguồn cung ứng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, nghỉ bán xăng dầu không có lý do.
Tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 không phát hiện vấn đề nổi cộm.
Tại các cơ sở kinh doanh, tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn diễn biến phức tạp. Hàng nhập lậu chủ yếu là: áo quần, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại di động, phụ kiện điện thoại, máy tính xách tay, đồ dùng gia dụng, đồ chơi trẻ em… Hàng giả chủ yếu là các mặt hàng: áo quần, giày dép, túi xách giả mạo các nhãn hiệu: Adidas, Nike, Gucci, Chanel, The North Face...
Tình hình vi phạm pháp luật bị phát hiện chủ yếu là vi phạm quy định không thực hiện việc niêm yết giá hàng hóa hoặc niêm yết giá không đúng quy định. Vi phạm quy định về nhãn hàng hóa vẫn còn xảy ra nhưng giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Đối với hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên các tuyến giao thông vẫn xảy ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm chủ yếu tập trung vào những nhóm hàng như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, linh kiện điện thoại, máy tính xách tay, giày dép, áo quần, Kit-Test Covid 19, đồ chơi trẻ em… Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi và luôn có phương án để đối phó với các lực lượng chức năng như: Gia cố thêm các ngăn bí mật chứa hàng hóa trên các phương tiện vận tải; cất giấu lẫn với các loại hàng hóa cồng kềnh khác trên phương tiện vận tải lớn; giấu trong các thùng chứa hàng hóa khác, tổ chức hoạt động vào các giờ, ngày nghỉ, các dịp Lễ, Tết.. để tránh sự kiểm tra, kiểm soát; lợi dụng bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển và kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả.
Tình trạng kinh doanh qua hệ thống thương mại điện tử, trên nền tảng số khá phổ biến, các đối tượng các đối tượng sử dụng các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... làm diễn đàn buôn bán, sử dụng nhà ở để làm nơi cất giấu và giao nhận hàng hóa gây khó khăn cho công tác kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng.
Số tiền thu nộp ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra
Trong năm 2022, toàn lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra 936 vụ, xử lý 801 vụ, tổng giá trị thực hiện là 4.509,885 triệu đồng, trong đó: số tiền xử phạt VPHC là 1.924,241 triệu đồng, trị giá tang vật đã bán là 710,910 triệu đồng, trị giá tang vật chờ bán là 513,910 triệu đồng, trị giá tang vật tiêu hủy và buộc tiêu hủy là 1.360,824 triệu đồng.
So với chỉ tiêu Tổng cục giao năm 2022, số tiền thu nộp ngân sách là 2.635,151 triệu đồng, đạt 105,4%.
So với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2021, số vụ đạt 70,1%, số tiền thu nộp ngân sách đạt 108,1 %, trong đó số tiền xử phạt vi phạm hành chính đạt 211,3%.
Trong công tác chống kinh doanh hàng nhập lậu, Cục QLTT đã xử lý 73 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 785,750 triệu đồng; giá trị hàng tịch thu đã bán 710,910 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán là 513,910 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu tiêu hủy và buộc tiêu hủy là 945,124 triệu đồng. Hàng hóa buộc tiêu hủy gồm hơn 6.000 bộ Kit-Test Covid 19 và 30 gói Bim Bim. Trong đó, đối với mặt hàng đường cát, đã xử lý 02 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 26 triệu đồng, tịch thu 3.150 kg đường cát, trị giá 29,7 triệu đồng..
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng cấm và hàng giả trên thị trường, Cục đã chủ động làm tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh và các Cục giáp ranh để nắm bắt tình hình, các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả; chia sẻ thông tin, phương thức, thủ đoạn các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Trong công tác thông tin, tuyên truyền, Cục đã tích cực, chủ động thường xuyên viết tin, bài về các vụ việc đã kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động của cơ quan để đăng trên Website Cục, Website của Tổng cục Quản lý thị trường, phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế, Công thương, Thương hiệu và Công luận, Đài Phát thanh – Truyền hình Thừa Thiên Huế, VTV8 thực hiện các chuyên đề, phóng sự, bản tin về “Phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng” nhằm giáo dục, răn đe đối tượng vi phạm và thông tin kịp thời cho người tiêu dùng, tuyên truyền, vận động người sản xuất, kinh doanh biết và cùng tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Qua đó, nhiều vướng mắc của chủ thể sản xuất kinh doanh đã được hướng dẫn, giải đáp kịp thời. Kết quả, đã thực hiện 2.611 cuộc tuyên truyền, cung cấp đường dây nóng và ký cam kết 3.088 cơ sở.
Đối với công chức, người lao động tại đơn vị, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thông qua Hội nghị, các buổi sinh hoạt chuyên đề, bằng các chỉ đạo cụ thể tại Hội nghị giao ban hàng tháng, quý; tổ chức Hội nghị chuyên đề về trao đổi, học tập kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ giữa các Phòng, Đội trực thuộc Cục Quản lý thị trường năm 2022. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi có vướng mắc, phát sinh cụ thể, các đơn vị có ý kiến phản ánh về Cục Quản lý thị trường, Cục có trách nhiệm nghiên cứu và tham khảo ý kiến chuyên môn để giải đáp kịp thời, giúp các Đội QLTT trực thuộc tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ
Năm 2023, để đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao theo hướng ngày càng chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại, Cục QLTT tỉnh tiếp tục củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, tác phong, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bình ổn thị trường hàng hóa; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trong kinh doanh, góp phần khống chế không để xảy ra những cơn sốt “ảo” về giá, duy trì sự ổn định thị trường, tạo văn minh trong thương mại trên địa bàn tỉnh; Bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh, BCĐ 389/TTH, tham mưu các giải pháp về Quản lý thị trường nhằm tạo điều kiện ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu chung của toàn ngành.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường