Được thành lập từ năm 1991, đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hòa Bình có trên 70 cán bộ, với 3 phòng chức năng và 5 Đội trực thuộc; cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, thiết bị và phương tiện tương đối đầy đủ.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, qua từng thời kỳ, lực lượng QLTT tỉnh Hòa Bình đã thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại.
Cùng với đó, lực lượng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra lĩnh vực an toàn thực phẩm, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra các hoạt động kinh doanh có điều kiện, kiểm tra hoạt động kinh doanh tân dược, thuốc thú y, hành nghề y dược tư nhân; kiểm tra, xử lý các tài liệu, văn hóa phẩm độc hại; phối hợp trong việc truy thu thuế; phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm...
QLTT Hòa Bình luôn nỗ lực, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT đã chủ động nắm bắt diễn biến tình hình thị trường, đề xuất hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, thường xuyên chú trọng làm tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
Tính riêng từ khi thành lập Cục (năm 2018 đến nay), lực lượng QLTT tỉnh Hòa Bình đã tiến hành kiểm tra 7.350 vụ; Số vụ xử lý vi phạm hành chính: 2.275 vụ; Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 5.290.809 đồng. Hàng năm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng QLTT luôn thể hiện rõ vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm ổn định thị trường, duy trì trật tự kỷ cương đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chống các hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích chung của toàn xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.
Đặc biệt, trong năm 2022, khi tình hình thị trường còn nhiều khó khăn, diễn biến bất thường, toàn lực lượng đã kiểm tra 1.379 vụ; tổng số vụ xử lý 320 vụ. Tổng tiền phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là 2.217.055.000 đồng (trong đó, tiền thu phạt là 1.465.930.000 đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 357.906.000 đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy 393.219.000 đồng).
Nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng
Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, năm 2022, Cục QLTT tỉnh Hòa Bình tổ chức, phối hợp tổ chức 5 hội nghị, trong đó 1 hội nghị tập huấn nghiệp vụ xử lý và thiết lập hồ sơ kiểm tra xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ công chức thuộc Cục. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 300 cơ sở kinh doanh khí trên địa bàn huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong; 1 Hội thảo “Hướng dẫn nhận biết dấu hiệu, phân biệt bột ngọt thật - giả nhãn hiệu AJINOMOTO” cho cán bộ, công chức lực lượng Quản lý thị trường.
Cục đã In ấn 5.000 tờ rơi tuyên truyền trực tiếp tới các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đồng thời ký cam kết với hơn 800 cơ sở kinh doanh về việc không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; ký quy chế phối hợp với 39 UBND các xã, Ban quản lý chợ và 1 siêu thị trên địa bàn tỉnh...
Song song với các nhiệm vụ chuyên môn, trong năm 2022, thực hiện phân công của UBND tỉnh Hòa Bình về giúp đỡ xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn (Vùng 135) và 1 hộ dân tại xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với UBND xã Quý Hòa trồng 2.220 cây xanh. Đồng thời phối hợp với đoàn thiện nguyện Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình khám, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho hơn 1.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn và trao tặng 30 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt tại địa bàn xã này.
Ngoài ra, lực lượng QLTT Hòa Bình cũng phối hợp Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hòa Bình tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh: tổ chức 6 điểm tư vấn, tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại một số điểm chợ tại thành phố Hòa Bình, huyện Mai Châu, huyện Đà Bắc, huyện Lạc Sơn, huyện Tân Lạc, huyện Cao Phong cho hơn 9.000 lượt người dân tham gia. Phối hợp, cấp phát trên 2.520 tờ rơi tuyên truyền pháp luật...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay lực lượng QLTT còn gặp một số khó khăn như địa bàn chia cắt miền núi, rộng, giao thông đi lại khó khăn...; việc chuyển đổi sử dụng hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS trong công tác kiểm tra, thiết lập hồ sơ ấn chỉ còn gặp khó khăn...
Xuân mới đang đến gần, phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2023, toàn lực lượng QLTT Hòa Bình sẽ nỗ lực không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn; xây dựng phong cách ứng xử văn hóa trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm, gian lận. Gắn công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực thương mại đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát... góp phần bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà kinh doanh, tạo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường