Sau hơn 4 năm chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng đã tạo được bước chuyển mình tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý; xây dựng lực lượng ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả công tác. Đồng thời, từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của của người dân và thành phố đối với lực lượng QLTT.
Trong 5 năm từ năm 2017 đến 2022, Cục QLTT Hải Phòng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đạt được một số kết quả nổi bật như: tổng số vụ kiểm tra 11.018 vụ, xử lý vi phạm hành chính 6.178 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 24 tỷ đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP xem xét khởi tố 04 vụ việc. Với kết quả này, số vụ việc kiểm tra và xử lý không tăng nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng số tiền thu được từ việc xử phạt VPHC và trị giá hàng hóa tich thu phát mại và tịch thu tiêu hủy đã tăng đáng kể so với những năm trước.
Cục trưởng Trần Thành Vin tham gia Đoàn khảo sát công công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến đường biển thuộc địa phận thành phố Hải Phòng
Riêng năm 2022 trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới nhưng công chức, người lao động Cục QLTT Hải Phòng luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo đó, trong năm, Cục đã kiểm tra 691 vụ, xử lý 282 vụ, nộp ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Với vai trò là cơ quan Thường trực 389 của thành phố, đơn vị đã phối kết hợp với các ngành thành viên triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra than, khoáng sản và xăng dầu theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Hải Phòng, kết quả kiểm tra 06 vụ với tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là 23 tỷ đồng.
“Điều này minh chứng cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tuy giảm về mặt số lượng nhưng đã tập trung nâng cao về chất lượng và quy mô trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, dịch vụ”, Cục trưởng Cục QLTT TP Hải Phòng Trần Thành Vin nhận định.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn, đứt gãy, Cục QLTT thành phố Hải Phòng đã tổ chức ký cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu với sự tham gia của các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu; thương nhân đầu mối và phân phối trên địa bàn thành phố.
Quản lý thị trường Hải Phòng tổ chức thi sát hạch nghiệp vụ cho công chức không giữ chức vụ năm 2022
Đánh giá về hoạt động quản lý thị trường năm 2022 của Cục QLTT Hải Phòng, Cục trưởng Trần Thành Vin cho biết, năm 2022 để nâng cao hiệu quả công tác đầu tranh, phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, Cục đã tăng cường công tác giám sát địa bàn, chủ động ban hành nhiều Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, kiểm tra và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định của pháp luật trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với công việc, Cục QLTT Hải Phòng đã ký cam kết thực hiện nghiêm “Hai đi đầu, Ba cam kết” với lãnh đạo các Đội trực thuộc. “Quá trình thực hiện cam kết đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm công việc đã giảm rõ rệt; công tác chỉ đạo điều hành từ trên xuống đã được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ; tỷ lệ hoàn thành công việc đạt mức cao. Các Trưởng phòng chuyên môn, Đội trưởng các Đội QLTT đã dần trở thành tấm gương trong việc duy trì kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị”, Cục trưởng Trần Thành Vin ghi nhận.
Cục QLTT thành phố Hải Phòng tổ chức ký cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu với thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu
Trong năm 2023, Cục QLTT thành phố Hải Phòng sẽ phấn đấu đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Tổng cục QLTT và UBND thành phố giao, trong đó tập trung vào công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với một số lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như: thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế, phân bón, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu, nguyên liệu thuốc lá và sản phẩm thuốc lá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại... Đồng thời, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... nhằm đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường