Trên thị trường hiện nay, sản phẩm khóa Việt - Tiệp là mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng tin cậy lựa chọn mua khi có nhu cầu sử dụng, các đối tượng đã lợi dụng việc người tiêu dùng thiếu thông tin để phân biệt hàng thật - hàng giả và mua các loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với giá thành thấp, chất lượng kém để bán kiếm lời, gây ảnh hưởng đến thương hiệu khoá Việt - Tiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thực hiện Kế hoạch số 214/KH-CQLTT ngày 19/5/2021 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên về đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025, vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 5 đã kiểm tra và phát hiện 02 cơ sở buôn bán hàng hóa là mặt hàng khóa giả mạo nhãn hiệu Việt - Tiệp của Công ty Cổ phần khóa Việt - Tiệp.
Quản lý thị trường Thái Nguyên phát hiện 2 cơ sở buôn khoá Việt - Tiệp giả
Qua công tác quản lý theo địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thu thập thẩm tra xác minh thông tin, ngày 24/02/2023, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra địa điểm kinh doanh của ông N.V.T (địa chỉ thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Tại cơ sở kinh doanh, Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang bày bán 172 bộ khóa cửa mang nhãn hiệu Việt - Tiệp. Ông T không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với Công ty cổ phần khóa Việt - Tiệp xác minh số khóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Đoàn kiểm tra đã lập hồ sơ và đề nghị Đội Quản lý thị trường số 5 trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.V.T về hành vi: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với mức phạt 10.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ số khóa giả mạo nhãn hiệu trị giá trên 6.000.000 đồng.
Vào ngày 10/3/2023, Đội Quản lý thị trường số 5 tiếp tục kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh N.T.T địa chỉ tại xóm Phố, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Khoá Việt - Tiệp giả mạo nhãn hiệu
Qua kiểm tra cũng phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 30 bộ khóa mang nhãn hiệu Việt - Tiệp, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ gì.
Toàn bộ số khóa trên ông N.T.T khai nhận mua trôi nổi trên thị trường và cũng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Việt - Tiệp. Đoàn kiểm tra đã kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ số khóa trên tiến hành xác minh làm rõ xử lý vụ việc theo quy định.
Theo đó, trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 5 sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu cũng như người tiêu dùng.