Không lộ nghiệp vụ khi chưa chắc chắn
Nhận lệnh công tác đột xuất “sớm mai đi Thanh Hóa, tham gia vụ việc”, vậy là, trong khi đêm còn dày, 3 chị em chúng tôi trên chiếc xe Toyota “nhỏ nhưng có võ” lao đi vun vút.
“Mình đến đâu của Thanh Hóa đấy chị?. Kho hàng có to không?, Số lượng sản phẩm có lớn không?. Sếp chỉ bảo đi vụ việc, còn chẳng nói vụ gì, ở đâu”, tiếng tôi liếng thoắng hỏi chị Tuyến - kiểm soát viên thị trường của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT). “Cứ bình tĩnh, đi rồi sẽ đến. Chị không bán mày đâu mà lo” - chị Tuyến ngắn gọn.
Trên xe, chị em chúng tôi, trò chuyện rôm rả, cung đường từ Hà Nội đến Thanh Hóa được rút ngắn lại, gần hơn. Đặt chân đến thành phố Thanh Hóa khi mặt trời còn chưa dậy nhưng chúng tôi cũng chưa được đến địa điểm kiểm tra ngay mà phải đứng xa xa, ngồi chờ. Phải đợi đến khi Đoàn kiểm tra đột xuất ập vào, đến khi Trưởng Đoàn đọc xong Quyết định kiểm tra thì khi ấy 3 chị em chúng tôi mới có mặt.
Địa chỉ kiểm tra lần này là 1 cơ sở kinh doanh có 4 kho hàng vi phạm tại số 10 Tô Vĩnh Diện, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn
Địa chỉ kiểm tra lần này là 1 cơ sở kinh doanh có 4 kho hàng vi phạm tại số 10 Tô Vĩnh Diện, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn. Thời điểm chúng tôi có mặt đã có trên 30 cán bộ của lực lượng QLTT và Công an tỉnh, chia thành 5 Tổ công tác tiến hành kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh và 4 kho hàng. Cơ sở kinh doanh và các kho hàng này thuộc sở hữu của bà Trương Thị Liên (sinh năm 1971), hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thanh Hoá.
Theo quan sát, các kho hàng nằm rải rác cách cơ sở chính - nhà của bà Liên không xa. Nhà dùng để chứa hàng với những kệ sắt được thiết kế, đầu tư chắc chắn, chuyên nghiệp để chứa, đựng hàng hóa. Mỗi kho hàng rộng trung bình từ 80-100m2, nằm sâu trong khu dân cư. Đặc biệt, để thuận lợi cho việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, chủ cơ sở đã phân chia các kho hàng với những công năng riêng. Ví dụ, cơ sở kinh doanh chính là nơi phục vụ livestream; 1 kho chuyên chứa trữ mặt hàng thời trang, quần áo; kho chuyên chứa giày dép; 1 kho chứa mỹ phẩm, nước hoa các loại...
Để kinh doanh, buôn bán sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội, chủ cơ sở sử dụng 2 tài khoản Facebook chính là “Nguyễn Thảo” và “Ntthaolasortie”. Mỗi tài khoản đều có trên 10.000 lượt follow. Tuy nhiên, sau khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, hai tài khoản trên đã tạm khoá. Thông tin khi ấy chúng tôi nắm được tại hiện trường, có những ngày cơ sở này chốt hàng ngàn đơn hàng, trị giá khác nhau. Từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng/đơn. Doanh số hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Vừa kiểm đếm, phân loại hàng hóa, chị Tuyến nói với tôi, “Giờ đã biết vì sao thông tin chỉ là đi đến Thanh Hóa chưa? Nghiệp vụ phải vậy. Phải bí mật đến cùng. Nếu chưa chắc chắn thì sẽ không tiết lộ. Trước đó, rất nhiều vụ việc đã “xôi hỏng bỏng không” vì thông tin đi trước. Như vậy bao nhiêu công sức theo dõi, nắm địa bàn của anh em “đổ sông đổ bể””.
Chia sẻ với tôi, Trưởng Phòng Nghiệp vụ 1, Cục QLTT Nguyễn Văn Lâm cho biết, để có thể kiểm tra, kiểm soát cơ sở kinh doanh và các kho hàng này, trước đó, nhiều kiểm soát viên thị trường thuộc Phòng Nghiệp vụ 1 đã mất gần 1 năm dòng từ 22/6/2021 đến 27/4/2022 theo dõi, trà trộn, nắm tình hình; xác minh thông tin đối tượng, hàng hóa, địa điểm cất giấu hàng hóa, cung đường vận chuyển hàng ra-vào.
“Thời điểm đó, Bỉm Sơn là nhà của anh em kiểm soát viên thị trường. Có người còn thuộc hết cả các tuyến đường, ngõ ngách của phường Ngọc Trạo, của thị xã Bỉm Sơn. Nắm trong lòng bàn tay giờ giấc hoạt động của các cơ sở kinh doanh ăn uống, cà phê... Thậm chí, nhiều đồng chí còn làm thân, làm quen và được vài gia đình trên trục đường Tô Vĩnh Diện nhận làm “con rể””, ông Nguyễn Văn Lâm thông tin.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của các kiểm soát viên thị trường trực tiếp tham gia vụ việc, đêm hôm trước, qua theo dõi, cơ sở này đã nhập thêm 1 xe tải hàng 5 tấn và vận chuyển về cơ sở kinh doanh chính, nhưng do nắm được thông tin, sáng sớm hôm sau, xe hàng này đã được điều đi nơi khác. Song với bản lĩnh, nghiệp vụ chuyên nghiệp sắc bén, trưa cùng ngày, các kiểm soát viên đã sử dụng các biện pháp cơ động buộc lái xe phải điều khiển xe hàng đó về vị trí ban đầu để kiểm tra, kiểm soát.
Gần 72 tiếng phân loại, kiểm đếm hàng hóa
1 cơ sở kinh doanh với 4 kho hàng, chứa đầy hàng hóa các loại, từ giày dép, quần áo, chăn ga gối đến mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ... “Chúng tôi đã mất gần 72 tiếng đồng hồ (từ ngày 27-29/4/2022) để bốc dỡ, phân loại, xác định hành vi, kiểm đếm, phân loại sản phẩm hàng hóa, đóng bao, dán tem niêm phong từng bao hàng. Mỗi người một nhiệm vụ rất tinh thần, trách nhiệm mà quên đi những giọt mồ hôi đang dần thấm, ướt đẫm chiếc áo xanh dương. Kết quả, quá trình kiểm tra đã thu giữ gần 28.000 sản phẩm hàng hóa có nhiều dấu hiệu vi phạm như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các nhãn hiệu nổi tiếng, được bảo hộ: Gucci, Zara, Chanel, Louis Vuitton...
Đối với vụ việc này, các lực lượng chức năng phải mất 72h đồng hồ để kiểm đếm, phân loại hàng hóa
“Trong khi kiểm đếm, chúng tôi phân chia từng loại hàng hóa vi phạm để xác định hành vi vi phạm. Công tác này sẽ không chỉ dừng lại trong ngày 1, ngày 2. Bởi quá trình kiểm đếm, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin mất nhiều thời gian và cần sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan chức năng”, kiểm soát viên thị trường ĐỖ Thị Kim Tuyến chia sẻ. Kết thúc vụ việc, lực lượng QLTT đã xác định có 36 chủng loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, 10 chủng loại hàng hóa nhập lậu, 13 chủng loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... trị giá hàng hóa vi phạm lên đến hơn 1,2 tỷ đồng. Hiện vụ việc đã được chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa để xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo chân các kiểm soát viên thị trường kiểm tra, kiểm soát mới thấy, đi công tác đột xuất là chuyện “như cơm bữa” và họ cũng đã quen, thậm chí là đam mê, lâu không được đi lại chùn chân, mỏi gối. Một kiểm soát viên thị trường từng chia sẻ, “địa phương cũng là nhà” bởi số ngày đi công tác, đi kiểm tra, kiểm soát còn nhiều hơn ở nhà. Và đúng như lời dạy của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười “làm Quản lý mà không kiểm tra thì không không gọi là quản lý”, và QLTT phải bám sát thị trường; nhạy bén với sự phát triển của thị trường, kịp thời có những kiến nghị, giải pháp phù hợp để giải quyết những mâu thuẫn trên thị trường, từ đó góp phần giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường