Hội nghị của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tiền Giang diễn ra vào chiều ngày 08/02/2023 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh với sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo 389/TG, đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389/TG, Cục QLTT, Văn phòng và Phòng Kinh tế UBND tỉnh, UBND cấp huyện cùng cơ quan báo, đài đến dự và đưa tin. Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tiền Giang chủ trì Hội nghị.
Trong năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang tương đối thuận lợi; hoạt động sản xuất nông nghiệp ổn định, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, hoạt động thương mại – dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất khẩu tăng trưởng tốt; thu hút đầu tư tăng cao...
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng còn gặp không ít khó khăn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn tiếp diễn, số vụ vi phạm được các lực lượng chức năng phát hiện tăng hơn so với năm 2021.
Tiền Giang: Chủ động phòng, chống từ xa các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm tuy không thay đổi nhiều so với trước đây nhưng tinh vi, phức tạp hơn; nhất là trong các lĩnh vực vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, thương mại điện tử.
Ông Đỗ Văn Phước, Quyền Cục trưởng Cục QLTT, Phó Trưởng ban Thường trực tóm tắt báo cáo năm 2022 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh Tiền Giang, sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến pháp luật gần 65 nghìn lượt; kiểm tra gần 3,3 nghìn vụ, phát hiện vi phạm và xử lý hơn 1,6 nghìn vụ, thu nộp ngân sách số tiền gần 73 tỷ đồng.
Đặc biệt, các hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện đồng loạt; công tác khảo sát, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ... Qua đó, tạo được chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cả cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là các lĩnh vực thương mại điện tử, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh. Kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhất là các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, nổi cộm, được dư luận quan tâm.
Các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả trong thực hiện cơ chế phối hợp, khai thác, chia sẻ, cung cấp thông tin liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chú trọng đổi mới phương pháp, cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các ngành chức năng.
Với tinh thần tự giác, chủ động, tích cực Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh bày tỏ mong muốn tập thể Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tiền Giang: Trong năm mới lập thành tích mới, phòng từ xa, chống từ xa các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần cùng với địa phương phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường