Hồ Chí Minh,

Kế hoạch 888 góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả

Định Khang  10/04/2023 13:27

Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã ban hanh Quyết định số 888 về thực hiện công tác này. Sau hai năm triển khai, nhiều đường dây, ổ nhóm, tụ điểm về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã được lực lượng QLTT triệt phá.

Ngày 22/03/2021, Tổng cục QLTT ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT “Về việc thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025” (Kế hoạch 888).

Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Kế hoạch được triển khai đồng bộ trên cả 63 tỉnh, thành phố tập trung vào các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm. Có thể nói, sau hơn hai năm triển khai, Kế hoạch đã đóng góp lớn vào kết quả chung của toàn lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại.

Liên tiếp triệt phá các tụ điểm về hàng giả

Kể từ khi Kế hoạch 888 được đưa vào thực thi, đến nay, nhiều đường dây, ổ nhóm, tụ điểm về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã được lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, phát hiện và triệt phá.

2022 là năm mang đậm dấu ấn và “khá thành công” của Kế hoạch, khi liên tiếp lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, xử lý nhiều tụ điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quy mô, số lượng lớn nhất từ trước đến nay.


Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục QLTT Thanh Hóa đột xuất kiểm tra 01 cơ sở kinh doanh với 04 kho hàng vi phạm tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa

Còn nhớ, ngày 27/4/2022, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục QLTT Thanh Hóa đột xuất kiểm tra 01 cơ sở kinh doanh với 04 kho hàng vi phạm tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Kết quả, lực lượng chức năng đã tạm giữ 27.825 đơn vị hàng hóa để thẩm tra xác minh. Hàng hóa tạm giữ là đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, giày dép, đồng hồ, chăn, quần áo... có dấu hiệu vi phạm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Gucci, Ferragamo, Burberry, Louis Vuitton, Chanel, Zara... Quá trình thẩm tra xác minh có 36 chủng loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, 10 chủng loại hàng hóa nhập lậu, 13 chủng loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến hơn 1,2 tỷ đồng.


Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt kiểm tra 03 tổng kho, cửa hàng kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Tiếp đến, ngày 6/10/2022, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt kiểm tra 03 tổng kho, cửa hàng kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Sau khi kiểm tra, kiểm soát hàng hóa phát hiện tổng số hàng hóa vi phạm là 5.054kg và được phân loại thành 34.797 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm Hiện số hàng hóa đã được phân loại và tiếp tục tạm giữ niêm phong tang vật có dấu hiệu vi phạm để xác minh làm rõ xử lý theo quy định.

Ngày 21/1/2022, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục Nghiệp vụ phối hợp với Cục QLTT TP.HCM tiến hành kiểm tra 12 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy tại chợ Tân Thành cùng hàng loạt các cửa hàng kinh doanh phụ kiện, đồ trang trí xe máy xung quanh khu vực này. Đây là một trong những địa điểm kinh doanh, bán sỉ phụ tùng, phụ kiện, đồ trang trí xe máy lớn tại TP.HCM và khu vực phía Nam.

Nhận định ban đầu, phần lớn hàng hóa kinh doanh tại đây đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu lớn như Honda, Yamaha, Suzuki. Hiện, lực lượng QLTTvẫn đang kiểm đếm, phân loại hàng hóa tại các cửa hàng ở chợ Tân Thành. Ước tính số lượng vi phạm lên tới hàng chục nghìn sản phẩm.

Cũng tại TP.HCM, vào tháng 11/2022, lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo trực tiếp lực lượng QLTT TP.HCM bất ngờ tấn công vào thiên đường mua sắm Sài Gòn Square. Tại đây, lực lượng đã phát hiện hàng ngàn sản phẩm gồm các mặt hàng như túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes... Các sản phẩm này có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Trung tâm thương mại Sài Gòn Square hay chợ Tân Thành; tổng kho hàng giả mạo nhãn hiệu ở Tuyên Quang; tổng kho hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc ở Thanh Hóa... cùng nhiều địa điểm khác là một trong những lộ trình kiểm tra trong Kế hoạch 888 của Tổng cục QLTT.

Phương thức thủ đoạn tinh vi và luôn thay đổi

Dù đã tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, tấn công vào những tụ điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, song, vấn nạn này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Theo lãnh đạo Cục Nghiệp vụ QLTT, thực trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.



Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, các đối tượng lợi dụng chính sách “luồng xanh” hoặc “luồng vàng” để vận chuyển hàng hóa vi phạm

Thực tế trên thị trường hiện nay, không chỉ hàng hoá, thương hiệu quốc tế mà hàng hoá, thương hiệu trong nước cũng trở thành mục tiêu; Hàng hoá vi phạm đa dạng từ giá trị thấp cho đến những sản phẩm có giá trị cao; Hàng hoá vi phạm không chỉ sản xuất trong nước mà còn được nhập lậu từ nước ngoài; Các đối tượng vi phạm sử dụng phương tiện tốc độ cao vận chuyển vào các kho nằm sâu trong nội địa, điểm trung chuyển hàng hoá cũng được thay đổi thường xuyên; Hiện tượng hàng hoá vi phạm được bày bán trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới...

Đáng chú ý, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, các đối tượng lợi dụng chính sách “luồng xanh” hoặc “luồng vàng” để đưa hàng hóa vi phạm qua biên giới...

“Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu; xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu...”, Cục Nghiệp vụ QLTT thông tin và nhận định, vì mục tiêu lợi nhuận, nên việc làm giả các sản phẩm được bảo hộ trở thành hiện tượng phổ biến.

Trong năm 2022, toàn lực lượng kiểm tra 7.772 vụ theo Kế hoạch 888 tăng 93,5% so với cùng kỳ, phát hiện và xử lý 6.900 vụ việc vi phạm cao gấp 1,7 lần cùng kỳ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 68,9 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 99,1 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý chủ yếu là các hành vi: kinh doanh buôn bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh buôn bán hàng hoá giả về chất lượng, công dụng; vi phạm giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; vi phạm giả tem, nhãn, bao bì hàng hóa; vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lũy kể từ ngày 22/3/2021 đến tháng 10/2022 phát hiện, xử lý 11.788 vụ, phạt tiền trên 113 tỷ đồng, trị giá hàng hóa thu giữ trên 235,7 tỷ đồng.

Chuyển từ kiểm tra sang giám sát, tuyên truyền, vận động

Theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, Kế hoạch 888 được triển khai nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa được Nhà nước bảo hộ và tránh vi phạm các quy tắc, các quy ước về công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thông qua đó, từng bước đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dần xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

Do vậy, các tụ điểm lớn trong sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ tiếp tục nằm trong lộ trình kiểm tra của lực lượng QLTT trong thời gian tới.


Năm 2023, Kế hoạch 888 đặt mục tiêu, hướng đến công tác tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở, hộ kinh doanh, tăng cường giám sát thay vì kiểm tra

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả phương châm hành động của Tổng cục QLTT trong năm 2023 “Thay đổi toàn diện phương thức làm việc, chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, thông suốt hiệu quả 24/7”; “Tập trung xử lý hàng giả, hàng vi phạm trên thương mại điện tử”, năm 2023, Kế hoạch 888 tập trung vào nhiệm vụ tăng cường theo dõi, quản lý địa bàn; bổ sung kịp thời tình hình biến động đối với các đối tượng của Kế hoạch 888; chủ động phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để nắm bắt các đối tượng kinh doanh bằng thương mại điện tử.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý vi phạm trong năm 2023; đặt chỉ tiêu hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm 2022; xây dựng cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ nhằm hỗ trợ nhanh nhất công tác kiểm tra, xử lý.

Đáng chú ý, năm 2023, Kế hoạch 888 đặt mục tiêu, hướng đến công tác tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở, hộ kinh doanh, tăng cường giám sát thay vì kiểm tra. Theo đó, toàn lực lượng sẽ xây dựng các chương trình lớn trong năm nhằm tuyên truyền công tác đấu tranh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc; thiết kế nội dung pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền treo ở các khu vực trọng điểm du lịch, văn hoá, xã hội. Tổ chức trao đổi nghiệp vụ với sự tham gia của Cục QLTT các tỉnh, thành phố nhằm nâng cao tính gắn kết, cùng trao đổi, hỗ trợ trong công tác nghiệp vụ, thống nhất xử lý; phối hợp Cục Nghiệp vụ trong các vụ việc phức tạp, quy mô lớn, liên tuyến, liên tỉnh.

Bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, lực lượng QLTT cả nước cũng khuyến cáo các cá nhân, tổ chức và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là qua thương mại điện tử. Nếu người dân, tổ chức phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa có thể liên hệ các đội quản lý thị trường địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết, bảo đảm quyền lợi của mình.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/ke-hoach-888-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-chong-hang-gia-95265.html

Tin cùng chuyên mục   Quản lý thị trường
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Tin tức mới nhất
Ngày 8/5, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế giấy và bao bì Việt Nam - VPPE 2024, lễ vinh danh các bao bì đạt Giải thưởng bao bì Việt Nam 2024 đã diễn ra và Sản phẩm bao bì DR.CACI ứng dụng công nghệ chống hàng giả của Vina CHG tự hào được nhận danh hiệu giải thưởng “Bao bì sáng tạo” do Hiệp Hội Bao Bì Việt Nam trao tặng.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.