Hồ Chí Minh,

Quảng Bình: Gắn công tác kiểm tra, xử phạt với tuyên truyền để đẩy lùi các vi phạm

Định Khang  08/02/2023 10:39

Năm 2022, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường Quảng Bình còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm, giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng các loại trang thiết bị phòng chống dịch tăng cao, xong nguồn cung có phần hạn chế. Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình đã chỉ đạo các Đội trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư y tế. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật, vận động các cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.


Trong năm, các vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc; vi phạm về an toàn thực phẩm, giá... vẫn còn diễn ra

Đại dịch Covid-19 chưa qua, thị trường trong nước lại nổi lên câu chuyện nguồn cung xăng dầu. Năm 2022, chịu ảnh hưởng từ các yếu tố nước ngoài, nguồn cung xăng dầu có thời điểm bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều nơi hết hàng, thiếu hàng... Để bảo đảm nguồn cung, giữ ổn định thị trường, QLTT Quảng Bình đã tập trung lực lượng giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu; yêu cầu các cơ sở này chủ động theo dõi trữ lượng còn tồn, tính toán đến tình huống hết hàng để chủ động nguồn nhập...

“Thời điểm cuối tháng 8 đến tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều cửa hàng phải đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh vì hết nguồn cung... Giai đoạn đó, QLTT tỉnh phải tập trung lực lượng giám sát 24/24, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu”, lãnh đạo Cục QLTT Quảng Bình thông tin.

Liên quan đến công tác phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, Cục QLTT Quảng Bình cho biết, trong năm, các vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc; vi phạm về an toàn thực phẩm, giá... vẫn còn diễn ra. Các đối tượng lợi dụng tâm lý mua hàng giá rẻ của một bộ phận người dân để nhập hàng trôi nổi, giá thành thấp, đưa vào nội địa tiêu thụ. Các mặt hàng vi phạm bao gồm: thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, phụ tùng ô tô và xe máy, đồ chơi trẻ em, điện thoại đã qua sử dụng...


Hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, trắng trợn

Đáng chú ý, theo Cục QLTT Quảng Bình, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, trắng trợn. Trên đường bộ, các đối tượng thường hoạt động vào các ngày nghỉ, ban đêm; thường xuyên thay đổi biển kiểm soát, chia nhỏ hàng hóa, vận chuyển bằng ô tô, xe máy cá nhân. Cá biệt, nhiều đối tượng cất giấu, trà trộn hàng hóa vi phạm dưới các loại hàng hóa hợp pháp khác để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

“Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn sử dụng các phương thức, thủ đoạn để đối phó với hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT như: không bày bán hàng giả, hàng cấm công khai trên quầy hàng, cửa hàng mà cất giấu hàng hóa vi phạm trong khu vực nhà ở; có người mua mới đưa ra bán hoặc trưng bày hàng vi phạm với số lượng nhỏ lẻ”, Cục QLTT thông tin và lo ngại, thương mại điện tử hiện nay đang trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng vi phạm lợi dụng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Thị trường phức tạp là vậy, song trong năm các Đội QLTT luôn bám sát và kịp thời triển khai ý kiến, chỉ đạo điều hành của Tổng cục, Cục QLTT tỉnh và địa phương; các hoạt động kiểm tra, giám sát đã đi và trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và tuân thủ theo quy định pháp luật.

Kết quả, năm 2022, lực lượng QLTT Quảng Bình đã thanh, kiểm tra 955 vụ việc, xử lý 573 vụ với 612 hành vi vi phạm, chuyển cơ quan công an 3 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 4,6 tỷ đồng. Điển hình, ngày 26/7, Đội QLTT số 5 khám phương tiện vận tải phát hiện trên 34.000 sản phẩm là thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế có xuất xứ và sản xuất tại Thái Lan, Đức, Ý, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Hàn Quốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Trong số đó, lực lượng chức năng đã xác định, có trên 1.000 chai nước hoa giả mạo nhãn hiệu Giorgio Armani, Louis Vuitton, Chanel. Đội QLTT số 5 đã lập biên bản xử phạt VPHC đối với lái xe Nguyễn Xuân Lộc về hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Xét thấy hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là trên 1.000 chai nước hoa có dấu hiệu tội phạm, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bố Trạch tiếp tục xử lý theo quy định. Tổng giá trị tang vật vi phạm hành chính chuyển giao trên 7,4 tỷ đồng. Đây là vụ việc được bình chọn là 1 trong 10 “Ấn chỉ vàng” của toàn lực lượng năm 2022.


QLTT Quảng Bình gắn công tác kiểm tra, xử phạt với tuyên truyền để đẩy lùi các vi phạm

Năm 2023, để góp phần giữ ổn định thị trường, QLTT Quảng Bình chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao hơn nữa nghiệp vụ QLTT, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công vụ. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các Đội trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như: xăng dầu, thuốc lá, an toàn thực phẩm, đường cát… trên cả môi trường truyền thống và phi truyền thống.

Cùng với đó, làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm để đấu tranh ngăn chặn, xử lý. Tin rằng, với quyết tâm cao của tập thể công chức, người lao động QLTT Quảng Bình, năm 2023, lực lượng sẽ tiếp tục hoàn thiện để chính quy, hiện đại, xứng đáng là “lá chắn thép” bảo vệ thị trường, bảo vệ người dân, doanh nghiệp.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/quang-binh-gan-cong-tac-kiem-tra-xu-phat-voi-tuyen-truyen-de-day-lui-cac-vi-pham-94782.html

Tin cùng chuyên mục   Quản lý thị trường
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Tin tức mới nhất
Ngày 8/5, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế giấy và bao bì Việt Nam - VPPE 2024, lễ vinh danh các bao bì đạt Giải thưởng bao bì Việt Nam 2024 đã diễn ra và Sản phẩm bao bì DR.CACI ứng dụng công nghệ chống hàng giả của Vina CHG tự hào được nhận danh hiệu giải thưởng “Bao bì sáng tạo” do Hiệp Hội Bao Bì Việt Nam trao tặng.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.