Kế hoạch được triển khai với mục tiêu hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ hoàn thiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và quy định tại Đề án để được cấp biển nhận diện theo chỉ tiêu đề ra; xây dựng, lắp đặt nhà trạm phục vụ xét nghiệm nhanh đối với các thực phẩm kinh doanh tại chợ.
Thành phố cũng phấn đấu đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, bố trí khu vực sản xuất kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố để đáp ứng các các yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm.
Hà Nội đặt mục tiêu 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có). Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh giao thương, kết nối các sản phẩm thực phẩm an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố về tiêu thụ tại Hà Nội và tại hệ thống chợ.
Theo Kế hoạch, thành phố đặt ra mục tiêu 100% các chợ được giám sát, lẫy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm; 100% cơ sở mở hệ thống sổ sách, ghi chép,...để thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm. Tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 50% so với thời điểm chưa thực hiện Đề án. Xây dựng, lắp đặt nhà trạm xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ và tổ chức vận hành (phấn đấu mỗi phường xã xây dựng tối thiểu 1 nhà trạm tại chợ).
Tối thiểu 60% các chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại tại mục III phần II Đề án.
100% cơ sở có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và phù hợp với loại hình, mặt hàng sản xuất, kinh doanh; 100% cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc Giấy xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất kịp thời với UBND thành phố các giải pháp nhằm thực hiện Đề án một cách hiệu quả; cập nhật khảo sát, rà soát, xây dựng hệ dữ liệu cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ; đào tạo, tập huấn; thanh kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm; các sự kiện giao thương kết nối, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm đảm bảo cung cầu hàng hóa; cấp biển nhận diện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu của Đề án....
Về phía các đơn vị quản lý chợ, cần tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định tại Đề án. Thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng. Cam kết chỉ kinh doanh thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc sổ sách ghi chép nhật ký hoạt động mua bán để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí của Đề án.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường