Hồ Chí Minh,

Siết chặt kiểm soát chuỗi sản xuất mì ăn liền xuất sang Châu Âu

Định Khang  27/03/2023 13:30

Trong cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang thị trường các nước châu Âu diễn ra mới đây, lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương đề nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu siết kiểm soát chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.

Nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm với mì ăn liền

Buổi làm việc có sự tham gia của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ và đại diện 8 doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang EU cùng 2 đơn vị kiểm nghiệm.

Cuộc làm việc liên quan đến các giải pháp nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm mì ăn liền sang EU trong 6 tháng đầu năm 2023 và thời gian tiếp theo.


Trong nửa cuối năm 2022, EU không phát hiện vụ vi phạm nào của Việt Nam với mì ăn liền

Theo lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ, từ tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định Regulation (EU) 2019/1793 để kiểm soát dư lượng ethylene oxide (EO).

Thời gian qua, với sự nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, phiên họp Kỹ thuật của Tổng vụ An toàn và sức khỏe (SANTE) của Ủy ban châu Âu trong tuần từ 9-16/2/2023 đã ghi nhận bước đầu thành công của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm với mì ăn liền.

Cụ thể, tính đến tháng 2/2023, Bộ Công Thương đã cấp 3.170 HC (Health certificate-Chứng thư) được cấp vào thị trường EU thông qua 21 cảng; trong đó, quốc gia có số lượng HC nhiều nhất là Đức (1.715 HC).

“Với nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương và doanh nghiệp, trong 6 tháng cuối năm 2022, EU không phát hiện vụ vi phạm nào của Việt Nam với mì ăn liền và được Tổng vụ SANTE ghi nhận trong phiên họp Kỹ thuật”, lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ nhấn mạnh và cho rằng, kết quả này đã minh chứng những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc cấp chứng thư cho các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền. Đồng thời cũng cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã chấp hành rất tốt các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.

Kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín của hàng Việt

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ Nguyễn Việt Tấn cho biết, sau khi có cảnh báo của RASFF (Hệ thống cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU) vào cuối tháng 8/2021 về việc phát hiện ra chất 2-Chloroethanol (viết tắt là 2-CE, là một trong những chất chuyển hóa của Etylen Oxyt - EO) vượt ngưỡng quy định tại EU đối với một số sản phẩm mì ăn liền được nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Công Thương đã thành lập các Tổ công tác để kiểm tra, đánh giá công nghệ sản xuất, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một số doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng như lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu Etylen Oxyt đối với các nguyên liệu, sản phẩm mì ăn liền đang được sản xuất, lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh, kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp được kiểm tra đều tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, các doanh nghiệp trên không sử dụng EO trong quá trình chế biến thực phẩm cũng như không có dấu hiệu cho thấy có dây chuyền, thiết bị sử dụng EO trong công đoạn sản xuất.

Theo báo cáo của một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hành, tỏi và kinh doanh các sản phẩm gia vị khác (hạt tiêu, bột gà, bột tôm) và cung ứng tại thị trường Việt Nam, trước đây doanh nghiệp này cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền sản phẩm ớt bột nhập khẩu từ Ấn Độ. Tuy nhiên từ tháng 9/2021, doanh nghiệp này đã dừng cung cấp do lo ngại không kiểm soát được dư lượng EO trong sản phẩm.

Tương tự, một số doanh nghiệp cung cấp nông sản sấy (rau sấy, hành sấy...) cũng chia sẻ, trước đây các doanh nghiệp này có sử dụng phương pháp diệt khuẩn có EO đối với các lô hàng bị lỗi nhiễm vi sinh. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố về EO nêu trên và thực hiện yêu cầu của Công ty sản xuất mì ăn liền, các doanh nghiệp này đã cam kết không sử dụng EO để diệt khuẩn mà sử dụng phương pháp sấy nhiệt đối với tất cả chủng loại sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, do Việt Nam đã quản lý tốt xuất khẩu mì ăn liền vào EU sáu tháng cuối năm 2022 nên Ủy ban châu Âu đã đề nghi đưa mì ăn liền từ Phụ lục II - yêu cầu có chứng thư và kiểm soát 20% tại cửa khẩu sang Phụ lục 1- kiểm soát tại cửa khẩu EU với tần suất 20%, không yêu cầu có chứng thư. Tuy nhiên, đề xuất này cần được đại diện các nước thành viên thông qua vào cuối tháng 4.

Nhằm đưa mì ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II sang Phụ lục I cần nỗ lực rất lớn của Bộ và các doanh nghiệp xuất khẩu mì trong việc kiểm soát chất lượng để từ đó nâng cao uy tín của hàng hóa Việt Nam vào EU và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Để thực hiện được điều này, ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ đã chỉ đạo các đơn vị kiểm nghiệm tiếp tục thực hiện tốt các quy định kiểm nghiệm theo các tiêu chuẩn của EU.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm soát chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.

Các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền lớn như: Công ty CP Acecook Việt Nam; Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON), Công ty CP Thực phẩm Á Châu… đã cam kết kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, sản xuất đảm bảo không sử dụng EO trong bất kể khâu nào của sản xuất và sản phẩm khi xuất khẩu sang EU.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/siet-chat-kiem-soat-chuoi-san-xuat-mi-an-lien-xuat-sang-chau-au-95138.html

Tin cùng chuyên mục   Ẩm thực
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.