Hàng loạt vi phạm nghiêm trọng
Mặc dù Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 về việc "Quyết liệt chống thực phẩm bẩn", nhưng việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến người tiêu dùng gần như chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng.
Số lượng các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh ATTP bị phát hiện gần đây khiến cho người tiêu dùng không khỏi phải "rùng mình". Đặc biệt, trong các vụ vi phạm bị phát hiện không chỉ có các cơ sở mới hoạt động mà có cả những cơ sở đã có thâm niên hoạt động đến hàng chục năm, có thương hiệu.
Trong các ngày 13-14/8, chương trình Chuyển động 24h của Đài THVN đã phát các phóng sự về đường dây sản xuất thuốc ho từ dầu ăn và phẩm màu tại TPHCM. Phản ánh một cơ sở sản xuất thuộc ho từ dầu ăn và hóa chất bị phanh phui đã gây nên sự hoang mang lớn đến người tiêu dùng. Sản phẩm này là "Viên Gelatin Eucaliptol", do Công ty TNHH Hotel Students; địa chỉ: 46A Thạch Lộc 26, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất.
Trước đó, công ty này đã bị Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 114.500.000 đồng cho các hành vi vi phạm như: Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm… đồng thời yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động ngay và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động cho đến lần phát hiện gây kinh động dư luận về sản phẩm thuốc trị ho cho trẻ em làm từ dầu ăn và hóa chất.
Mgày 17/8, Đội Thanh tra số 7 (Quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ) thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã phát hiện và tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh Chả lụa tại đường 17, hẻm 52, khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, Quận 7 do gia đình ông Nguyễn Văn Hải là chủ cơ sở.
Mới nhất, ngày 21/8, đoàn kiểm tra liên quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) thuộc Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM bất ngờ kiểm tra quán cơm tấm Kiều Giang (652 Xa lộ Hà Nội, quận 9, TPHCM) và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành đã lập biên bản và thu giữ nhiều nguyên vật liệu, gia vị,… được đựng trong các thùng, can nhựa đóng đầy cặn bẩn. Kho đông lạnh chứa nhiều loại thịt được ngâm trong những dung dịch đã đóng váng và bốc mùi. Tại đây, đại diện quán cơm không xuất trình được giấy chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm trên.
Đặc biệt quán cơm trên còn sử dụng nhiều gia vị lạ có mùi hắc, vị ngọt lợ, màu trắng được đóng thành từng cây với trọng lượng từ 10 -12kg, bên ngoài ghi chung chung là "nước mắm" hoặc "đồ chua". Dù các gia vị này không có nhãn hiệu, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, nhưng khi được hỏi thì nhân viên trong cửa hàng đều trả lời "chống chế" với đoàn liên ngành là…đường.
Tổng số vật chứng bị niêm phong lên đến hơn 1 tấn, trong đó có 89 bịch gia vị với tổng trọng lượng 1.029kg, ngoài ra còn có những thùng nhựa chứa các loại gia vị có màu vàng lợt, được đóng trong từng gói nylon nhỏ, bên ngoài ghi là xương hầm, bì, gà…
Trước những sai phạm này, đoàn kiểm tra đã đề nghị cơ sở khắc phục ngay tồn tại đã nêu và có trách nhiệm bảo quản lô hàng đã được niêm phong tại cơ sở với số lượng 89 cây (đường+phụ gia) khối lượng 1.029 kg. Cơ sở không được làm sai lệch số lượng, khối lượng cho đến khi cơ quan kiểm tra giải quyết xong vụ việc. Đồng thời, đoàn công tác cũng mời chủ cơ sở đến trụ sở Đội 2 Ban quản lý An toàn thực phẩm để làm việc sau kiểm tra.
Được biết, quán cơm tấm Kiều Giang nổi tiếng hơn 10 năm nay và thu hút nhiều thực khách, đặc biệt là khách du lịch khi đến TP.HCM.
Cần rà soát, tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm
Trước đây, theo đánh giá của các thành viên Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành liên quan. Điển hình như việc chậm xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng thuốc, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, giết mổ không bảo đảm ATTP…
Mặt khác, tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới, đặc biệt là đối với các thực phẩm sinh lời cao như thực phẩm chức năng rất dễ dẫn đến làm giả và buôn lậu. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng… chưa được kiểm soát chặt chẽ, đang có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp…
Qua đó, sự nguy hại của thực phẩm bẩn đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn công tác thanh kiểm tra những cơ sở sản xuất và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Trong đó, trách nhiệm của các bộ phận quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở (phường, quận,…) rất quan trọng, cho nên cần xử lý trách nhiệm trong quản lý của các bộ phận này để tại khu vực quản lý tồn tại thực phẩm bẩn.
Mâm cơm gia đình làm sao an toàn, sức khỏe được đảm bảo khi sử dụng thực phẩm là những điều tưởng chừng như vô cùng hiển nhiên, nhưng đối với rất nhiều người tiêu dùng, có vẻ như điều đó vẫn còn khó khăn quá đỗi?
Định Khang/Theo Tiêu Dùng