Hồ Chí Minh,

Cao điểm xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm

Định Khang  19/04/2022 16:08

Để đảm bảo tốt công tác kiểm tra và xử lý về an toàn thực phẩm, bên cạnh công tác thanh, kiểm tra cần kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm…

Vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp

Những năm qua, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong cả nước được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, giúp thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên, qua đó ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn còn khá phổ biến, nhất là việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang diễn ra ở nhiều nơi. Vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.


Hưởng ứng Tháng Hàng động về an toàn thực phẩm năm 2022, lực lượng QLTT nhiều tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực này và xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Đặc biệt, hơn 2 năm trở lại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hình thức kinh doanh thực phẩm thông qua mạng xã hội facebook, zalo… được xem là giải pháp kinh doanh hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm kinh doanh thông qua hình thức online này thường không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Thu Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, qua người quen giới thiệu, chị đặt thịt gà trên một trang facebook, người bán quảng cáo là sản phẩm nhà nuôi, tươi ngon, đảm bảo sạch, an toàn. Nhưng khi nhận thì hàng hóa đã xuất hiện mùi lạ.

Tương tự, chị Hoàng Trang ở Hoàng Mai, Hà Nội từng đặt mua nhụy hoa nghệ tây (saffron) trên mạng xã hội facebook, nhưng khi sử dụng với nước ấm, sản phẩm này phai màu rất nhanh, chuyển thành màu vàng đậm, gần như nước nghệ tươi. Khi vớt lên kiểm tra, sợi hoa mềm oặt, teo nhỏ, nát nhũn như bột khi bóp nhẹ.

Đấy là trên môi trường mạng xã hội, còn ở môi trường kinh doanh truyền thống, thời gian qua, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hưởng ứng Tháng Hàng động về an toàn thực phẩm năm 2022 (từ 15/4 đến 15/5) lực lượng QLTT nhiều tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực này và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Đơn cử, ngày 15/4, Đội số 3, Cục QLTT TP Cần Thơ phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP kiểm tra Hộ kinh doanh Minh Quân 320 tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều phát hiện cơ sở này đang kinh doanh thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không có thông tin thể hiện trên bao bì, nhãn hàng hóa, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có thông tin về công bố thực phẩm, không có đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa; hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, đây là cơ sở doanh thực phẩm đông lạnh cung cấp cho nhiều quán ăn uống trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Sau quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 225 kg thực phẩm đông lạnh gồm đuôi heo, vú heo, thịt bò vụn, cá hồi phile, đuôi bò, bắp bò, răng mực, bào ngư, râu bạch tuộc, sủi cảo, trân châu dừa dạng viên… tổng trị giá xác định theo giá niêm yết trên 17 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa và xử lý theo quy định pháp luật.


QLTT Bạc Liêu kiểm tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh 1.250kg gạo không rõ nguồn gốc xuất xứ

Chưa hết, ngày 8/4, Đội số 1, Cục QLTT Bạc Liêu phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh cám, gạo Nhỏ Hía tại số nhá 352/32 đường cao Văn lầu, phường 5, thành phố Bạc Liêu, do bà Dương Kim Hía làm chủ, chuyên kinh doanh mặt hàng cám, gạo các loại.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện bà Dương Kim Hía đang kinh doanh 25 bao gạo, mỗi bao 50kg, tổng cộng là 1.250 kg gạo, được giới thiệu là gạo thơm Thái. Tuy nhiên, qua kiểm thực tế chủ cơ sở không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ cũng như nơi sản xuất của số gạo này. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Dương Kim Hía.

Trước đó không lâu, ngày 5/4, Đội số 5, Cục QLTT An Giang kiểm tra khám đồ vật (12 bao da rắn màu trắng) tại lề đường Lê Hồng Phong thuộc Trung tâm thương mại Phú Mỹ, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân phát hiện 600kg chả nấm nhãn hiệu Diễm Trang, địa chỉ: xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Trên nhãn hàng hóa không thể hiện khối lượng tịnh, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng 06 tháng không có người thừa nhận. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 29 triệu đồng. Đội số 5 đã lập biên bản tạm giữ tang vật để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ động ngăn chặn vi phạm

Hưởng ứng Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (15/4-15/5) cũng như để đảm bảo tốt công tác kiểm tra và xử lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn cả nước, ngày 4/4/2022, Tổng cục QLTT đã có công văn chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm vi phạm pháp luật.

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này, trong những ngày qua, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch đôn đốc các Đội QLTT triển khai thực hiện. Cụ thể, ngày 5/4/2022, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang ban hành kế hoạch, chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra về điều kiện kinh doanh; điều kiện chung về sản xuất, kinh doanh; điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, trang thiết bị dụng cụ; nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng nguyên liệu dùng để sản xuất thực phẩm; hồ sơ công bố/đăng ký bản công bố sản phẩm; hóa đơn chứng từ, nhãn hàng hóa, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; lấy mẫu gửi kiểm nghiệm chất lượng...


Thời gian tới, để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, lực lượng QLTT cả nước sẽ chủ động thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những hàng vi vi phạm

Tương tự, Cục QLTT các tỉnh như Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Trị, Lạng Sơn... cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022, tập trung vào các nội dung kiểm tra như việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao gói sẵn, các mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt, kẹo…nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT cho biết, hưởng ứng Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, Tổng cục QLTT đề nghị, Cục QLTT các địa phương chủ động tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm vi phạm pháp luật.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ động cung cấp thông tin để cơ quan QLTT kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm. Chú trọng tuyên truyền trực tiếp thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; công bố công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.

Báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, Quý I/2022, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 14.755 cơ sở dịch vụ ăn uống; trong đó có 12.556 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ hơn 85%), còn lại gần 2.200 cơ sở có sai phạm đã bị nhắc nhở, xử phạt với số tiền gần 397 triệu đồng.

Qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng, có không ít nơi vẫn chưa tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài vi phạm về cơ sở vật chất như: Khu vực sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh, người tham gia sản xuất chưa được tập huấn kiến thức, thực phẩm không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ…, đoàn kiểm tra của thành phố và các quận, huyện, thị xã còn phát hiện vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Link gốc: https://qltt.vn/cao-diem-xu-ly-cac-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham-93234.html

Tin cùng chuyên mục   Ẩm thực
Trong cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang thị trường các nước châu Âu diễn ra mới đây, lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương đề nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu siết kiểm soát chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.