Hồ Chí Minh,

Sở hữu trí tuệ phải dựa trên sản phẩm sáng tạo

Định Khang  29/07/2017 11:55

PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế – Bộ Khoa học – Công nghệ có một đề nghị xác đáng….

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sở hữu năm 2009 về quyền tác giả, vừa được tổ chức tại Hà Nội, có rất nhiều ý kiến đưa ra mạnh dạn nhưng hầu hết chỉ mang tính… than thở. Sở hữu trí tuệ sẽ không thể nào được xem như một giá trị phổ quát, khi xã hội chưa đề cao tinh thần sáng tạo!

Nhà thơ Hữu Loan từng bán bản quyền bài thơ "Màu tím hoa sim" với giá 100 triệu vào năm 2005
Nhà thơ Hữu Loan từng bán bản quyền bài thơ "Màu tím hoa sim" với giá 100 triệu vào năm 2005

PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế – Bộ Khoa học – Công nghệ có một đề nghị xác đáng: không nên để tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, mà cần có sự tham gia của Bộ VH-TT&DL cùng Bộ Tài chính để xây dựng khung biểu mức.

Đã gọi là bản quyền thì không thể ứng dụng theo cách làm tùy hứng lâu nay của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, bản quyền phải rõ ràng chứ không thể chen vào yếu tố "quen biết", "thông cảm" hoặc "phải chăng". Thậm chí, kiểu thu bản quyền ngây ngô hơn là đếm số ghế mỗi sân khấu để thu tiền. Bởi lẽ, qui mô một chương trình lớn hay nhỏ, lời hay lỗ nằm ở mức đầu tư và tài kinh doanh của bầu show, bản quyền chỉ dựa theo bài hát chứ không thể dựa theo… rạp hát!

Tại hội thảo nói trên, nhiều người đưa trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý làm ví dụ về sự "đóng góp vô giá cho kho tàng âm nhạc dân tộc nhưng lại sống trong nghèo đói", quả thật là một điều lệch lạc. Bởi lẽ, sự bi đát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hoàn toàn không dính dáng đến bản quyền, mà do lối sống của người đã viết ra ca khúc lừng lẫy "Dư âm".

Có nhiều nhạc sĩ có sự nghiệp tương đương nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và hơn cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhưng họ có oán than đâu. Mặt khác, bản quyền âm nhạc cũng phụ thuộc vào thị trường. Ca khúc của hôm qua, chưa hẳn được trình diễn hôm nay. Nghệ thuật có tiêu chí riêng, cái "đóng góp vô giá" không thể quy ra thóc dễ dàng. Cần phải sòng phẳng, nếu viết ca khúc vì tiền thì đừng chờ mong giải thưởng cao quý, và ngược lại.

Nước ta chưa có nền công nghiệp giải trí, nên sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật vẫn đang cực kỳ nghiệp dư. Sở hữu trí tuệ phải dựa trên sản phẩm sáng tạo mang tính độc đáo và chấp nhận luật chơi cung cầu. Nghĩa là cần phân biệt rạch ròi những tác phẩm phóng tác và tác phẩm phái sinh. Đồng thời, cần sòng phẳng về tài chính trong giao dịch dân sự. Ví dụ, nhạc sĩ A viết một ca khúc X cho ca sĩ B hát, thì bản quyền phải rõ ràng, ca sĩ B trả tiền một lần cho nhạc sĩ A để mua luôn ca khúc X, hoặc cả hai phân chia lợi ích số lần biểu diễn và thu âm ca khúc X. Đáng tiếc, lâu nay đời sống nghệ thuật vẫn cứ mập mờ.

Ở những quốc gia phát triển, sở hữu trí tuệ được thực thi bài bản vì có những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Một nhà sản xuất phim luôn dùng "tiền tươi thóc thật" để mua một ý tưởng điện ảnh, một cốt truyện, một hình ảnh tư liệu hoặc một đoạn nhạc nền, nên khi bộ phim ra mắt không hề có sự tranh chấp nào.

Xã hội Việt Nam có đặc thù một giai đoạn nghệ thuật phục vụ tuyên truyền, mọi sản phẩm đều làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước, nên việc xác lập bản quyền cá nhân không đơn giản. Bây giờ đã có Luật Sở hữu trí tuệ, thì mỗi tác giả phải tự vận động cho bản thân. Nếu xem sáng tạo nghệ thuật như sự cống hiến cho cộng đồng, thì cứ vô tư đưa tác phẩm ra công chúng với nỗi phập phồng may rủi.

Còn nếu xem sáng tạo nghệ thuật như một cách mưu sinh thì phải tìm hiểu thị trường, theo dõi thị trường và đáp ứng thị trường. Hiện tại, rất nhiều nhà văn bán hẳn tác phẩm cho công ty sách, rất nhiều nhạc sĩ bán hẳn tác phẩm cho hãng băng đĩa. Họ lấy thù lao trọn gói, và chuyện bản quyền đã có người khác lo.

TUY HÒA
Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Link gốc: https://chg.vn/chong-hang-gia/so-huu-tri-tue-phai-dua-tren-san-pham-sang-tao-727.html

Tin cùng chuyên mục   Sở hữu trí tuệ
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.
Ngày 8/5, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế giấy và bao bì Việt Nam - VPPE 2024, lễ vinh danh các bao bì đạt Giải thưởng bao bì Việt Nam 2024 đã diễn ra và Sản phẩm bao bì DR.CACI ứng dụng công nghệ chống hàng giả của Vina CHG tự hào được nhận danh hiệu giải thưởng “Bao bì sáng tạo” do Hiệp Hội Bao Bì Việt Nam trao tặng.