Hồ Chí Minh,

Thực phẩm giảm cân không nguồn gốc: "Thần dược" hay "độc dược"?

Định Khang  18/04/2022 17:53

Các đơn vị chức năng sẽ điều tra kỹ, xử lý thật nghiêm, thật nặng để nâng cao tính răn đe đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng không nguồn gốc, có chứa chất cấm tràn lan trên mạng. Đồng thời, nghiên cứu không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính mà còn áp dụng các chế tài xử phạt theo đúng các quy định của pháp luật.

Giảm cân luôn là chủ đề mà chị em phụ nữ đặc biệt quan tâm. Nắm được nhu cầu, nhiều đơn vị, cá nhân "đua" nhau kinh doanh thực phẩm chức năng liên quan đến hỗ trợ giảm cân, như trà giảm cân, cà phê giảm cân, thạch dứa giảm cân…

Dạo quanh một vòng qua các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook, không khó nhận thấy trên mạng xã hội, nhiều sản phẩm giảm cân được quảng cáo tràn lan, kèm theo những lời lẽ có cánh.

Đơn cử như: “Dáng đẹp, eo thon, chỉ 1 tách café mỗi ngày, dễ uống, tiện lợi, kiểm soát cân nặng dễ dàng, đặc biệt không tác dụng phụ, mệt mỏi, mất nước, không hồi cân trở lại…”. Thậm chí để thu hút người mua, một số người bán còn đăng review (lời nhận xét) hiệu quả của khách đã mua, và kèm theo lời khẳng định chắc nịch "không hiệu quả hoàn lại tiền"...

Tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân thần tốc và giá thành rẻ, không ít người đã tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để sử dụng. Kết quả, giảm cân chưa thấy đâu, nhưng sức khỏe đã suy giảm tới mức nguy kịch, thậm chí có trường hợp bị tổn thương não.


Chỉ vì tin vào những lời quảng cáo có cánh về "thần dược" giảm cân trên mạng xã hội, nhiều người tiêu dùng đã lãnh hậu quả, tiền mất tật mang

Mới đây, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một trường hợp phụ nữ nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi uống một loại thực phẩm giảm cân.

Theo thông tin từ bệnh viên cung cấp, kết quả giám định, trong loại cà phê giảm cân này có chứa sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên cấp cứu do uống phải sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm, mà trước đó, năm 2021, một phụ nữ ở Quảng Ninh vì mong muốn giảm cân, tin tưởng lời quảng cáo trên mạng đã mua 2 lọ thuốc giảm cân Baschi hồng (100% từ thảo dược thiên nhiên Thái Lan, giá 500.000 đồng/hộp) để uống, sau một thời gian uống thì chị bị nôn ra máu và được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu…

Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường nhiều tỉnh, thành phố đã thu giữ hàng ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng có hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm và nhiều sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Mới đây nhất, ngày 10/4, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Cục QLTT TP.Hà Nội phối hợp với lực lượng công an kiểm tra Công ty TNHH dược mỹ phẩm Lasva ở phường Kim Sơn, thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Trong quá trình kiểm tra, Đoàn phát hiện 1.950 hộp Cafe Hoàng Gia hỗ trợ giảm cân (30 gói/1 hộp) nghi có thành phần sibutramine (thuộc Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe) được cất giấu dưới hầm ngầm trong khu nhà xưởng của công ty. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiến hành kiểm nghiệm, phân tích thành phần theo quy định.

Ông Lê Hùng - Đội trưởng Đội QLTT số 17 cho biết, hiện tại ngoài số hàng 1.950 hộp cà phê bị tạm giữ, các lực lượng chức năng cũng đã kết hợp để kiểm tra, giám sát, niêm phong nơi sản xuất và toàn bộ sản phẩm của Công ty TNHH dược mỹ phẩm Lasva.

Lãnh đạo Đội QLTT số 17 nhấn mạnh, đơn vị sẽ điều tra kỹ, xử lý thật nghiêm, thật nặng để nâng cao tính răn đe đối với các loại hình sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa chất cấm tràn lan trên mạng. Đồng thời, theo dõi sức khỏe của người tiêu dùng để có thể nghiên cứu không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính mà còn áp dụng các chế tài xử phạt theo đúng các quy định của pháp luật.

Trước đó, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với lực lượng công an phát hiện Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Gem Korea (Tổ 2, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên) đang đóng gói các loại mỹ phẩm và thực phẩm chức năng dành cho người lớn, trẻ em mang các nhãn hiệu, như: Hemia, JUSHI, QUEEN PERFECT…. Trong đó, có nhiều sản phẩm hỗ trợ giảm cân. Điều đáng nói, đa phần tên các sản phẩm đều mang ngôn ngữ nước ngoài, một số sản phẩm không thể hiện rõ địa chỉ sản xuất trên bao bì sản phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, giảm cân là một quá trình diễn ra lâu dài và liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể. Mọi người nên đến các trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp kết hợp với tập luyện thể thao. Tuyệt đối không nên tin vào những lời quảng cáo không có cơ sở khoa học để dẫn đến tiền mất tật mang.

Link gốc: https://qltt.vn/thuc-pham-giam-can-khong-nguon-goc-than-duoc-hay-doc-duoc-93233.html

Tin cùng chuyên mục   Ẩm thực
Trong cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang thị trường các nước châu Âu diễn ra mới đây, lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương đề nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu siết kiểm soát chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.