Thực phẩm chức năng giả tràn lan
Số liệu từ Hiệp hội Thực phẩm chắc năng Việt Nam cho biết, sau 20 năm phát triển, thị trường thực phẩm chức năng trong nước phát triển nhanh, số lượng sản phẩm đăng ký mới hàng năm có thể lên tới con số chục nghìn, trên 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Cùng với đó, lượng người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%.
Tuy nhiên, thời gian qua, trong sản xuất thực phẩm chức năng có hiện tượng sản xuất sản phẩm không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm; nhà sản xuất vì lợi nhuận còn thêm chất cấm, chất độc hại. Mặt khác, trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm đến tính mạng, tiền mất tật mang, khiến dư luận bức xúc.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam do Cục An toàn thực phẩm, Hiệp hội Thực phẩm chức năng tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội.
Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê tham dự và phát biểu tại Hội thảo Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam |
Nêu thực trạng của vấn nạn thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật, không đảm bảo chất lượng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho rằng, thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. Thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng được quảng cáo chữa nhiều loại bệnh khác nhau từ chữa xương khớp, tiêu hóa, tim mạch... và cả bệnh ung thư.
Thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng sản xuất trong nước trước đây chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ nhưng hiện nay đã thành quy mô công nghiệp. Đáng lưu ý hơn, thực phẩm chức năng giả không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
“Kinh doanh, sử dụng thực phẩm chức năng kém chất lượng, không đúng với chất lượng đã đăng ký sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhẹ thì dị ứng, nằm viện, nặng thì nguy hiểm đến tính mạng; ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh chân chính, sâu xa hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế...”, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê nhận định và cho rằng, nguyên nhân của vấn nạn này trước hết là vì lợi nhuận. Thêm vào đó, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu.
60% quảng cáo là gian lận
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng công nghệ số, đặt biệt là mạng xã hội đang ở mức đáng báo động. Không chỉ thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, rất dễ bị mắc bẫy.
Ông Phong nhấn mạnh, các sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó có sản phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã đăng ký với cơ quan quản lý và chỉ được quảng cáo 4 nội dung đã được thẩm định.
“Thời gian qua, tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo sai nội dung mà cơ quan chuyên môn đã thẩm định, sử dụng hình ảnh y, bác sĩ, cắt ghép hình ảnh của đài truyền hình, lực lượng quân đội công an… diễn ra phức tạp trên mạng xã hội.
Chúng tôi mong muốn trong hội thảo này, đặc biệt trong phần thảo luận, chúng ta nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong quản lý, những bất cập trong quy định của pháp luật, những gì cần tăng cường hơn nữa để cùng nhau đưa thị trường thực phẩm chức năng phát triển bền vững,” ông Phong chỉ rõ.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, có khoảng 60% quảng cáo thực phẩm chức năng trên các mạng xã hội là gian lận. Hệ thống đa cấp bán hàng bằng nghệ thuật tiếp cận khách hàng, về điểm này thì khỏi phải nói, họ là “bậc thầy” trong việc thuyết phục khách hàng. Trận chiến hàng giả ở kênh này gặp rất nhiều khó khăn do sản phẩm không xuất hiện trên thị trường, mà chỉ len lỏi trong các hội nhóm nên việc phát hiện hàng giả là vấn đề khó.
Hậu quả, nhiều người dân tự mua thực phẩm chức năng sử dụng dẫn đến tình trạng suýt tử vong mà tưởng đang... thải độc.
Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, năm 2020 có 48 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền xử phạt hành chính hơn 2,2 tỷ đồng. Năm 2021 là 28 cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; năm 2022 là 28 cơ sở với số tiền là hơn 1,2 tỷ đồng.
Đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có sự đồng lòng, chung tay góp sức trong hoạt động chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng. Hiệp hội Thực phẩm chức năng phải là đầu mối quy tụ doanh nghiệp, người tiêu dùng phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng.
Các đơn vị có liên quan cần phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, không tự ý tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng.
Doanh nghiệp, người tiêu dùng phát hiện thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cần phản ánh ngay đến lực lượng Quản lý thị trường thông qua số đường dây nóng đăng tải tại địa chỉ dms.gov.vn để tiếp nhận và xử lý kịp thời.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường