Hồ Chí Minh,

An toàn thực phẩm: Từng khâu phải bảo đảm sạch, không có hóa chất độc hại hoặc trong ngưỡng cho phép

Định Khang  22/10/2022 09:54

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, không chỉ kiểm tra phần ngọn khi thực phẩm lên mâm lên bát rồi mới đi hoặc kiểm nghiệm xem có an toàn hay không; mà là cả quá trình, đặc biệt là nông sản. Bắt đầu từ khâu trồng trọt, chăn nuôi cho tới giết mổ... từng khâu phải bảo đảm sạch, không có hóa chất độc hại hoặc được kiểm soát trong ngưỡng cho phép.

Tạp chí Khoa học phổ thông đã phỏng vấn PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm và quản lý sản phẩm sạch.

truy xuất nguồn gốc

Theo PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, chúng ta không thể “thả” tất cả các giai đoạn, rồi chỉ trông cậy vào khâu kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm sau cùng. Bởi thật ra mà nói, năng lực kiểm nghiệm của chúng ta cũng có hạn. Không phải thực phẩm nào vào bếp cũng có thể kiểm nghiệm mà chúng ta chỉ lấy theo mẫu ngẫu nhiên và có tính đại diện mà thôi. Như vậy nó sẽ có những khoảng trống.

An toàn thực phẩm luôn luôn là vấn đề nóng, từ thực phẩm tươi sống, nông sản đến các thực phẩm chế biến. Tất cả thực phẩm đều phục vụ cho con người và liên quan mật thiết và trực tiếp đến sức khỏe. Nếu chúng ta không quản lý chặt, cái giá phải trả sẽ rất đắt. 

pgs ts phạm khánh phong lanPGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM.

Thưa bà, qua thực tế, công tác quản lý an toàn thực phẩm của chúng ta hiện nay đang gặp những vấn đề gì? 

- Sản xuất kinh doanh của chúng ta hiện rất manh mún, rất nhỏ nên khó quản lý cũng như chưa theo kịp các tiến bộ cũng như tiêu chuẩn của các nước.

Bên cạnh đó, khi tiến hành triển khai các quy định của pháp luật trên địa bàn, nếu như nhiều cơ quan như công thương, ban quản lý an toàn thực phẩm, thị trường... cùng tiến hành; mỗi nơi lực lượng ít, chỉ “nhìn” trong phạm vi trách nhiệm của mình mà thôi, thiếu tính đồng bộ, không kịp thời. 

Hơn thế nữa, mặc dù đã tăng cường kiểm tra đột xuất, việc kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, Việt Nam hiện còn thiếu các quy chuẩn quốc gia về các mặt hàng thực phẩm, hàng chế biến từ nông sản. Vì thế, cơ quan chức năng thiếu cơ sở pháp lý để xử phạt các trường hợp sản xuất thực phẩm giả, không đảm bảo về chất lượng.

Ngoài ra, quản lý an toàn thực phẩm là một vấn đề rất khó, bởi Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM chỉ kiểm tra khi đã thành thực phẩm. Còn khâu sản xuất ban đầu là trách nhiệm của ngành nông nghiệp; ngộ độc là trách nhiệm thuộc Sở Y tế; hàng gian, hàng giả là trách nhiệm của ngành quản lý thị trường…

Điều gì giúp Ban Quản lý An toàn Thực phẩm hoạt động hiệu quả?

- Sau khi gom các lực lượng quản lý về an toàn thực phẩm về một mối, tăng cường lực lượng và có một đầu mối để thực hiện quản lý an toàn thực phẩm. 

Thông qua thực tế, chúng tôi nhận thấy, nhờ tập hợp lại, chúng tôi mới đủ lực lượng để có thể sắp xếp, xây dựng thiết lập một hệ thống thanh tra theo như nhu cầu. Ít ra, chúng tôi cũng đang có một đội quản lý an toàn thực phẩm cho cả tuyến quận, huyện. 

Kết quả cụ thể, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM đã tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm ở các nhóm có nguy cơ cao như bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Qua đó phát hiện trên 2.600 cơ sở vi phạm; xử phạt 633 đơn vị với tổng số tiền 9,6 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy 12,8 tấn sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm của xã hội, được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo. TP.HCM đang đối mặt với những vấn đề gì?  

- Sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế.

Vì vậy, chúng ta cần có sự phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ. 
Ngoài ra, cần có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành, theo đó nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc. Chúng ta phải có quy định thống nhất cách thực hiện việc giám sát, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng. 

Bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập trong quá trình thanh tra xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống vì đòi hỏi kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn...

Vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y, thuốc an thần... trên nông sản vẫn còn nhiều khó khăn. 

Quy định về quản lý kinh doanh phụ gia vẫn còn nhiều bất cập vì chưa có quy định phân biệt với quản lý hóa chất công nghiệp. Do đó thị trường vẫn còn tồn tại các cơ sở buôn bán hóa chất công nghiệp bên cạnh phụ gia thực phẩm, gây nguy cơ trà trộn. 

Theo PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, thời đại này có rất nhiều tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, nhưng lại đi kèm với tình trạng hóa chất, chất phụ gia ngày càng tinh vi, khó kiểm soát được.

Ngay cả đối với nông sản thực phẩm, hàng tươi sống, người dân ngày càng lo lắng vì chất lượng an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm... Đây không chỉ được toàn xã hội quan tâm mà còn luôn là vấn đề nóng của các cơ quan chức năng. 

Từ những thực tế đó, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM đang có những đề án dài hơi như thế nào trong công tác phát triển thực phẩm sạch?

Ngoài việc kiểm tra hồ sơ chứng từ nguồn gốc sản phẩm, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM và cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuỗi đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” gửi kiểm tra an toàn thực phẩm.

Tỷ lệ thực phẩm từ nguồn cung ứng đạt chuẩn, đến nay, số cơ sở đã được cấp 616 giấy chứng nhận với gần 809.485 tấn rau, củ, quả, thịt, thủy sản; 1.930.935.852 quả trứng gia cầm; 50,1 triệu lít nước mắm.

Từ đó, Ban đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với trường học, nhà hàng, siêu thị... mặc dù còn nhiều khó khăn như chuỗi thực phẩm khó vào siêu thị vì giá của tỉnh rẻ hơn. 

Hiện nay, chúng tôi khuyến khích các hệ thống phân phối như bếp ăn tập thể, căng tin trường học, bếp ăn nhà hàng khách sạn, siêu thị nhập sản phẩm đạt VietGAP, sản phẩm thuộc chuỗi an toàn; dần dần tiến tới là bắt buộc. 

Một đề án khác là “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng”. Đối với thịt heo, 3.403 trang trại, 116 cơ sở giết mổ, 2 chợ đầu mối được đưa vào quản lý; 813 trang trại gà thịt, 65 trang trại gà giống, 32 cơ sở giết mổ, 476 điểm kinh doanh thịt gia cầm; còn quản lý nguồn cung trứng gồm có 85 trang trại, 15 cơ sở xử lý, 317 điểm kinh doanh. 

Thịt heo vào các chợ đầu mối sẽ được kiểm tra nguồn gốc bằng cả giấy kiểm dịch và vòng truy xuất. Như vậy chắc chắn chất lượng cải thiện hơn so với trước giết mổ thủ công, manh mún, chỉ kiểm soát giấy tờ, thậm chí là viết tay. Tuy nhiên còn một lượng lớn heo từ các tỉnh chuyển về nên chính sách quản lý phải đồng bộ.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi còn cải thiện hệ thống phân phối gồm 3 chợ đầu mối, 232 chợ truyền thống, 47 trung tâm thương mại, 209 siêu thị, 2.360 cửa hàng tiện ích.

Như, Đội quản lý an toàn thực phẩm 2, 9, 10 sẽ giám sát 3 chợ đầu mối từ kiểm soát nguồn gốc, thanh kiểm tra cho đến lấy mẫu giám sát chất lượng.

Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm cũng được triển khai ở 24 quận, huyện như đảm bảo nguồn gốc thực phẩm, điều kiện kinh doanh, nhận thức của tiểu thương... 

Xin cảm ơn PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan!

bộ nông nghiệpĐại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và TP.HCM ký thỏa thuận tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.

Sáng 18/10 tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng”.  

PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, cho hay, tỷ lệ mẫu thực phẩm xét nghiệm không đạt chất lượng giảm dần qua các năm. Tại các chợ đầu mối, 90% mẫu sản phẩm rau - củ - quả đạt chất lượng, chỉ 10% mẫu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tỷ lệ sản phẩm đạt an toàn chất lượng nhìn chung chiếm trên 96%.

Tuy nhiên, còn một số khó khăn như khó kiểm soát gian lận bao bì, nhất là mặt hàng rau - củ - quả. Ngay cả các mặt hàng như thịt heo, thịt gia cầm, trứng có đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc vẫn còn nhiều khó khăn...

Một trong những thách thức với công tác an toàn thực phẩm hiện nay là tình trạng các chợ tự phát quanh các chợ đầu mối. UBND TP.HCM đã có chỉ đạo quyết liệt dẹp chợ tự phát, nhưng tình trạng vi phạm quanh các chợ vẫn còn khá phổ biến.

Theo Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn nhưng lại gặp khó trong tiêu thụ.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, với cách sản xuất đơn giản, doanh nghiệp không thể nâng cao tiêu chuẩn để hướng đến xuất khẩu, dẫn đến quốc gia khó phát triển vượt bậc. An toàn thực phẩm phải thực hiện các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu dùng, nếu một khâu không đạt chuẩn, thực phẩm sẽ không còn an toàn. Điều đó đồng nghĩa, an toàn thực phẩm phải theo chuỗi giá trị, xuất phát từ giống, vật tư nông nghiệp, quá trình chăm sóc mới thành công. 

Theo AN QUÝ/Tạp chí Khoa học phổ thông

Link gốc: https://www.khoahocphothong.com.vn/an-toan-thuc-pham-tung-khau-phai-bao-dam-sach-khong-co-hoa-chat-doc-hai-hoac-trong-nguong-cho-phep-60525.html

Tin cùng chuyên mục   An toàn thực phẩm
Từ 15h hôm nay (11/11), giá xăng E5 tăng 840 đồng/lít, giá bán là 22.710 đồng/lít (giá liên bộ đưa ra không quá 22.711 đồng/lít); giá xăng RON95 tăng 1.110 đồng/lít, giá bán là 23.860 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 90 đồng/lít, giá bán là 24.980 đồng/lít.
Ngày 11/11/2022, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức họp giới thiệu Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022” tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cả nước.
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.