Hồ Chí Minh,

Bền vững sẽ là xu hướng phát triển của thương mại điện tử

Định Khang  24/03/2023 17:29

Thương mại điện tử bền vững sẽ là "cánh tay nối dài" giúp thu hẹp khoảng cách thương mại điện tử giữa các địa phương thông qua việc giảm vai trò của trung gian, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ ở Việt Nam

Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn”, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn ở mức ấn tượng, dù không đột biến như giai đoạn xảy ra Covid-19.

Cụ thể vào năm 2021 - 2022, tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn đạt từ 18 - 20%. Dự đoán giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức 15 - 18%.

"Điều đó cho thấy đây là một xu hướng đã thay đổi nhận thức và nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng", ông Kiên khẳng định.


Bền vững sẽ là xu hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới

Trên thực tế, mở rộng thương mại điện tử đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, vì mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng thông qua việc tạo ra các trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt hơn.

Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của chuyển đổi số trên thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới.

"Trong năm 2022, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 27%, với 60% dân số tham gia mua sắm online", ông Dũng chia sẻ.

Trước đó, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cũng thông tin cho biết, đang có một sự dịch chuyển rõ rệt về nhu cầu mua sắm trong những năm gần đây tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, thay vì chờ đợi đến dịp lễ hội cuối năm, người dùng có xu hướng chi tiêu theo nhu cầu chính đáng của bản thân và gia đình trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Bền vững - xu hướng phát triển của thương mại điện tử

Theo ông Kiên, ví bảo mật hay các dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam giờ đây đã có được lớp bảo mật theo quy chuẩn quốc tế. Nhưng bên cạnh đó, rủi ro vẫn còn tồn tại và xuất hiện trong quá trình sử dụng của người dùng.

Điển hình là rất nhiều vụ việc xảy ra thời gian gần đây khi hacker lợi dụng sự cả tin, thiếu kiến thức của người dùng để dẫn họ tới website giả mạo, hack mất mã OTP, mất mật khẩu trên thiết bị...

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số, cụ thể là lĩnh vực thương mại điện tử, song Việt Nam vẫn cần giải quyết nhiều thách thức để đảm bảo sự thành công của quá trình này, cũng như để đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

"Việc tăng cường an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu quan trọng, thông tin cá nhân và tài sản kỹ thuật số là rất quan trọng để tránh các cuộc tấn công mạng và lừa đảo", ông Kiên lưu ý.

Báo cáo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Lazada đánh giá, bền vững sẽ là xu hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.

Trong đó, việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững trên cả 3 phương diện môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được tầm nhìn và định hướng trong thời kì kỹ thuật số.

Thực tế, những mô hình doanh nghiệp thương mại điện tử bền vững đã cho thấy sức chống trụ bền bỉ cũng như mức độ hiệu quả trong việc duy trì và phát triển kinh doanh, ổn định đội ngũ nhân sự, từ đó đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Việc xây dựng và củng cố sức mạnh từ hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững trong giai đoạn này sẽ tạo dựng được nền tảng giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, đưa ra chiến lược phát triển dài hạn trên thương mại điện tử, tận dụng triệt để các giải pháp từ công nghệ, cơ sở hạ tầng, logistics, đến tiếp thị trong hệ sinh thái thương mại điện tử, hướng tới kinh doanh bền vững và thực sự có hiệu quả.

Hiện tại, thương mại điện tử bền vững ưu tiên đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ độ mở của sàn, sử dụng API (Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng) ở mọi điểm tiếp xúc của thương mại điện tử với đối tác, kết nối và tận dụng triệt để nhiều dịch vụ của đối tác trên nền tảng thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, API còn cho phép hợp lý hoá các hoạt động và đảm bảo sự tương tác liền mạch của khách trên thương mại điện tử, từ đó hỗ trợ các nhà bán lẻ theo dõi, phân tích dữ liệu và giao tiếp chatbot với khách hàng hiệu quả; đồng thời kết nối nền tảng thương mại điện tử với thị trường của bên thứ ba.

Về yếu tố trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử bền vững kết nối các hành vi mua sắm riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và lâu dài từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn, mua hàng, thanh toán, đổi trả.

Đồng thời, để quản lý tác động lên môi trường, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp giảm thiểu khí thải trong hoạt động và giảm việc sử dụng nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đi theo mô hình thương mại điện tử bền vững đang từng bước tiến tới việc tác động lên nhận thức và hành vi của người tiêu dùng; giảm thiểu khí thải carbon thông qua việc tạo ra những combo sản phẩm với mức giá ưu đãi, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn combo sản phẩm thay vì đặt hàng riêng lẻ…

Theo báo cáo này, thanh toán trên thương mại điện tử sẽ ngày càng mở rộng kết nối với đa dạng đối tác tài chính và chuyển hướng "buy now, pay later" (Mua trước, trả sau), đáp ứng nhu cầu chi trả của người tiêu dùng và giúp cho việc mua sắm trên thương mại điện tử trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn. "Mua Trước, Trả sau" cũng giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng và quy mô đơn đặt hàng trung bình trên nền tảng thương mại điện tử.

Đặc biệt, thương mại điện tử bền vững sẽ là "cánh tay nối dài" giúp thu hẹp khoảng cách thương mại điện tử giữa các địa phương thông qua việc giảm vai trò của trung gian (thương lái, chợ đầu mối, đối tác vận chuyển…).

Từ đó mang lại lợi ích nhiều hơn cho người nông dân, thúc đẩy họ tập trung đầu tư hơn cho chất lượng sản phẩm; đồng thời, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên thương mại điện tử cũng thúc đẩy gia tăng cam kết tiêu dùng trên nền tảng này.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/ben-vung-se-la-xu-huong-phat-trien-cua-thuong-mai-dien-tu-95129.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.