Hồ Chí Minh,

Bộ trưởng Công Thương đề nghị Nghi Sơn đảm bảo nguồn cung xăng dầu như cam kết

Định Khang  12/01/2023 16:36

Trong chuyến công tác thăm và làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào sáng 12/1/20223, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, cần đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu như cam kết, nhất là dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nghi Sơn nỗ lực vượt khó

Báo cáo về tình hình hoạt động của nhà máy, ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc liên doanh, Giám đốc nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn cho biết: năm 2022 vừa qua, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác sản xuất kinh doanh và vận hành nhà máy. Song, Công ty đã nỗ lực duy trì hoạt động và đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch tổng thể đề ra. 6 tháng cuối năm 2022 nhà máy đã có nhiều cải tiến, nâng cao độ tin cậy và an toàn vận hành. Công suất trung bình cả năm đạt được 87,9% tương ứng với 33 chuyến dầu thô (8,9 triệu tấn). Tổng khối lượng sản phẩm sản xuất và cung cấp ra thị trường 7,4 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có 7,7 triệu m3 xăng dầu cho thị trường nội địa.


Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm và làm việc tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Hiện nay, sản lượng xăng dầu do Nghi Sơn sản xuất và cung cấp ra thị trường duy trì khoảng 17.000 m3/ngày (5.000 m3 xăng +12.000 m3 Diesel), lượng tồn kho tại thời điểm ngày 12/1 đối với xăng là 67.535 m3 (32,5%), dầu Diesel là 58.738 m3 (32,4%) và Jet A1 là 14.863 m3 (50,5%), đáp ứng đủ thông báo với Bên bao tiêu sản phẩm và các thương nhân đầu mối.

Đặc biệt, nhận thức được trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường và nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp đến, hiện nay, Công ty đã và đang nỗ lực duy trì ổn định, vận hành nhà máy ở công suất tối đa có thể.

“Trong các tháng cuối năm 2022, nhà máy đã duy trì công suất trung bình trên 100% so với thiết kế để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao của thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương”, lãnh đạo lọc hóa dầu Nghi Sơn thông tin và cho biết, ở thời điểm hiện tại, mặc dù với việc tạm dừng phân xưởng cracking xúc tác (RFCC) để sửa chữa nhưng Nhà máy đã cân đối sức chứa, tối ưu tồn kho và duy trì vận hành ổn định ở công suất đầu vào 85% (phân xưởng chưng cất dầu thô CDU). Các phân xưởng công nghệ khác đang vận hành bình thường ở công suất cân bằng và cao (90%, NHDS: 110%...).

Năm 2023, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt mục tiêu công suất đạt 79,6%, tương ứng với khoảng 7.96 triệu tấn dầu thô sẽ được chế biến. Cùng với đó, tổ chức công tác bảo dưỡng tổng thể lần đầu cho toàn nhà máy, với tổng thời gian thực hiện theo kế hoạch là 55 ngày, bắt đầu từ 25/8/2023.

Ngoài ra, Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng cam kết, trong tháng 1/2023, tổng sản lượng cung cấp ra thị trường sẽ đạt 600.000 m3, giảm một phần do công suất nửa đầu tháng. Sản lượng xăng dầu kế hoạch đã báo cáo (tối thiểu) của tháng 2 sẽ là 620.000 m3 và tháng 3 là 770.000 m3. Tổng khối lượng Quý I/2023 giảm một ít so với kế hoạch, và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tập trung tăng công suất trong nửa sau tháng 1/2023 và các tháng tiếp theo để bù lại phần bị sụt giảm.


Phó Tổng Giám đốc Công ty kiêm Giám đốc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn Lê Nguyễn Quốc Vinh báo cáo với Đoàn công tác tình hình hoạt động của Nhà máy

Liên quan đến sự cố có khí rò rỉ khí thải tại phân xưởng RFCC, lãnh đạo Công ty cho biết, đơn vị đang nỗ lực sửa chữa để đảm bảo an toàn và ổn định vận hành phân xưởng trong năm 2023. Dự kiến, ngày 14/1/2023 tới đây sẽ sửa chữa xong và đưa vào vận hành phân xưởng, sau khoảng 3 đến 4 ngày phân xưởng RFCC sẽ ổn định ở công suất 100% và sẽ tăng lên đến 105-107% để bù đắp sự thiếu hụt"

Về việc này, ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông tin, ngay sau khi sự cố xảy ra, Tập đoàn đã tích cực phối hợp, hỗ trợ khắc phục tình huống. Phía Tập đoàn đã chủ động nhận diện về mặt kỹ thuật, chủ động hỗ trợ cho Nhà máy, đặc biệt về nguyên vật liệu, để bảo đảm tiến độ khắc phục sự cố sớm. “Ngay sau khi sự cố xảy ra, Tập đoàn đã chỉ đạo Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng công suất lên lên 110% để hỗ trợ sự thiếu hụt do sự cố tại Nghi Sơn xảy ra. Hiện sản lượng tồn kho của cả 2 nhà máy (tồn kho và lượng sản xuất) đã đáp ứng nhu cầu trong tháng 1, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán”, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông tin.

Yêu cầu đảm bảo đủ nguồn cung

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung thị trường xăng dầu của Việt Nam. Kể từ khi chính thức đi vào vận hành đến ngày 31/12/2022, Nhà máy đã tiếp nhận khoảng 39,1 triệu tấn dầu thô, sản xuất khoảng 30 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó PVN đã bao tiêu khoảng 22,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Trong năm 2022, Nhà máy đã cung cấp cho thị trường trong nước trên 6,2 triệu tấn xăng dầu các loại, đạt 92% so với kế hoạch đề ra.

“Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá nỗ lực của tập thể Lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên của Công ty trong việc duy trì vận hành Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, sản xuất các sản phẩm xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước, góp phần vào việc ổn định thị trường xăng dầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam”, Bộ trưởng đánh giá.


Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Nghi Sơn đảm bảo nguồn cung xăng dầu như cam kết, nhất là đảm bảo nguồn cung dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán 2023

Song, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của nhà máy trong thời gian vừa qua, nhất là các sự cố lớn ảnh hưởng đến quá trình vận hành của nhà máy. Năm 2023, để giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại, Bộ trưởng đề nghị, cần phải tái cơ cấu các hoạt động, đặc biệt tái cơ cấu về mặt tài chính, chi phí và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Công ty phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với các nhà phân phối. Bởi công ty và các nhà phân phối đã có những cam kết rất chặt chẽ, phía Việt Nam đã có cam kết cụ thể nhưng phía nhà máy chưa thể hiện sự cam kết của mình trong việc cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu mối.

“Đã có mấy lần phía Nhà máy đều đột ngột thông báo dừng. Sự cố là không ai mong muốn nhưng phải nỗ lực, có sự chia sẻ khó khăn, chia sẻ rủi ro cho những nhà phân phối”, Bộ trưởng nêu quan điểm và đề nghị cần phải bảo đảm nguồn theo cam kết và phải nghiêm túc nghiên cứu, sớm chấp nhận điều khoản bồi hoàn cho người mua khi nhà máy gặp sự cố không giao được hàng cho khách hàng, giảm sản lượng.

Thứ hai, Bộ trưởng đề nghị Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải đảm bảo nguồn cung ra thị trường như sản lượng đã cam kết, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Để làm được điều này, theo Bộ trưởng, trong 1,2 ngày tới, Nhà máy phải nỗ lực thật cao để hoàn thành việc xử lý sự cố kỹ thuật; phải huy động nguồn dự trữ thương mại kể cả thành phẩm, bán thành phẩm, liên kết với Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn và trong các kho dự trữ bảo đảm sản lượng giao cho các doanh nghiệp đầu mối không được giảm so với cam kết.

Thứ ba, trong lâu dài, không chỉ trước, trong sau Tết, đặc biệt là tháng 5 khi bảo dưỡng định kỳ, Bộ trưởng đề nghị ngay sau khi khắc phục sự cố thì phải khẩn trương đẩy công suất đến tối đa để có lượng hàng tối đa bù đắp cho khoảng hơn 50 ngày nhà máy thực hiện bảo dưỡng định, kể cả sản phẩm và bán thành phẩm, bằng việc tăng công suất kho chứa, thậm chí phải thuê để có sản lượng hàng dự trữ lớn nhất.

Ngoài ra, trong tình huống không làm chủ được thời gian, kỹ thuật, Bộ trưởng đề nghị phải có sự thương thảo với các nhà phân phối để có thể thông qua họ, có thể nhập ủy thác, bảo đảm sản lượng cung ứng cho ổn định. Đây là yêu cầu hết sức cần thiết trong bối cảnh thị trường xăng dầu có nhiều biến động. Vì vậy rủi ro cho nhà phân phối rất lớn nên cần có cơ chế tháo gỡ.

Thứ tư, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, căn cứ vào kế hoạch mà Chính phủ và Bộ Công Thương giao, chỉ đạo cho 2 nhà máy tăng công suất tối đa có thể. Trong lúc Nghi Sơn bảo dưỡng thì Bình Sơn phải tăng công suất, có lượng hàng dự trữ thương mại lớn nhất, bù đắp được sản lượng cho dừng sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo cả 2 nhà máy có cơ chế thương thảo, chia sẻ lợi ích, rủi ro đối với các đơn vị có chúc năng phân phối xăng dầu để bảo đảm được sản lượng bị thiếu hụt.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt của nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong giai đoạn trước, trong và sau Tết nguyên đán và đến hết quý 1/2023. Thực hiện đúng tiến độ, tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ Công Thương phân giao năm 2023.


Nhân dịp Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tặng quà, chúc mừng năm mới đến đại diện lãnh đạo Nhà mày lọc hóa dầu Nghi Sơn

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng thành viên đoàn công tác đã trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra tiến độ khắc phục sự cố tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và thăm khu vực xuất và nhập hàng của nhà máy.



Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng thành viên đoàn công tác đã trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra tiến độ khắc phục sự cố tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và thăm khu vực xuất và nhập hàng của nhà máy

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/bo-truong-cong-thuong-de-nghi-nghi-son-dam-bao-nguon-cung-xang-dau-nhu-cam-ket-94628.html

Tin cùng chuyên mục   Kinh doanh
Với phương châm lấy phòng ngừa là chính, công tác tuyên truyền bảo vệ an ninh, an toàn cho đường ống dẫn khí luôn được Công ty Khí Cà Mau - đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam triển khai thường xuyên, liên tục trong các năm qua, góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân, doanh nghiệp có hoạt động trên biển đối với việc đảm bảo an ninh, an toàn đường ống dẫn khí dưới biển.
Chiều ngày 20/7/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về hợp tác trong lĩnh vực than.
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.