Sau Hội đàm cấp cao giữa hai Thủ tướng, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Lao động kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng đã trao đổi Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác kinh tế và thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Singapore.
Bộ trưởng Công Thương hai nước Việt Nam - Singapore kí Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại
Các nội dung hợp tác trong Bản ghi nhớ này đều là các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mà hai Bên cùng quan tâm. Việc ký kết Bản ghi nhớ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tầm quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, quan hệ hợp tác chặt chẽ, gần gũi giữa hai Bộ Công Thương.
Việc triển khai Bản ghi nhớ sau khi ký kết sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam và Singapore trong thời gian tới, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Singapore sau 10 năm thiết lập (2013-2023).
Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong ASEAN. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 4,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2021; Nhập khẩu của Việt Nam từ Singapore đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV) cho biết, những năm gần đây, đầu tư của Singapore vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bất động sản, thương mại bán buôn, bán lẻ. Trong những năm tới, các nhà đầu tư Singapore sẽ tăng cường đầu tư vào chuỗi cung ứng và hậu cần (logistics), kinh tế xanh và kinh tế số.
Môi trường cũng là một chủ đề nóng và nền kinh tế xanh sẽ trở thành mục tiêu đầu tư tiếp theo của các nhà đầu tư Singapore. Các nhà đầu tư Singapore có thể sẽ tập trung vào các dự án về cơ sở hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vừa trải qua đại dịch Covid-19 và đang trong tiến trình phục hồi, ông Seck Yee Chung tin tưởng, Singapore tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường hợp tác đầu tư của Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021; đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022, trong đó Singapore đứng đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch, từ những nguyên nhân cơ bản như lực lượng lao động có quy mô lớn với chi phí cạnh tranh và thường xuyên được nâng cao tay ngh; tầng lớp trung lưu đang có nhu cầu ngày càng gia tăng; các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và giá cả phải chăng; sự cải thiện và phát triển trong hậu cần (logistics) và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát đại dịch của Việt Nam cũng như khả năng và sự tự tin trong việc mở cửa lại nền kinh tế, mở cửa biên giới nhanh hơn so với các nước láng giềng cũng góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư”, ông Seck Yee Chung phân tích và cho rằng, vẫn còn những khó khăn mà nhà đầu tư Singapore (cũng như các nhà đầu tư từ các quốc gia khác) đang phải đối mặt tại Việt Nam.
Song theo ông Seck Yee Chung, thời gian tới, Việt Nam và Singapore sẽ có nhiều hơn những cơ hội hợp tác, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bởi, hai nước đã thiết lập mối quan hệ thân thiết qua nhiều thập kỷ và Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng của các nhà đầu tư Singapore.
Trong năm 2022, Singapore và Việt Nam đã ký 5 hiệp định cùng nhiều biên bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác trên phương diện thương mại, kinh tế số, an ninh mạng, năng lượng sạch, phát triển bền vững và sở hữu trí tuệ... Cả hai nước hiện cũng là thành viên một số hiệp định tự do hóa thương mại và hiệp định đa phương.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường