Hồ Chí Minh,

Các giải pháp giảm áp lực tiêu thụ vải và nhãn

Định Khang  01/06/2023 07:53

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, nguồn cung nông sản dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.

Giảm chi phí để đẩy mạnh xuất khẩu

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023” với chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi, nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.


Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023” với chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn”

“Thị trường xuất khẩu luôn biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với mặt hàng quả vải, nhãn tươi, sản lượng tập trung lớn, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá và cho biết, thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán...

Tại các thị trường khác, bên cạnh nhiều rào cản phi thương mại khắt khe, chúng ta còn phải đối mặt với thực tế là sức mua giảm sút do tình hình lạm phát cao, nỗ lực giảm giá thành sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được xu hướng khả năng chi trả của người tiêu dùng giảm.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, vải thiều Lục Ngạn là 1 trong 7 loại hoa quả tươi được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và được người tiêu dùng nước này rất đón nhận. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn tại đây.

Vài năm trở lại đây, nhu cầu nhập khẩu vải thiều của Hoa Kỳ đang tăng. Hoa Kỳ nhập khẩu vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan.


Ông Đỗ Ngọc Hưng đề xuất cần thiết phải giảm chi phí vận chuyển để tăng sức cạnh tranh cho quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ (ảnh màn hình)

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, việc tiếp cận thị trường đối với nông sản thực phẩm Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng còn gặp một số trở ngại. Đơn cử như khoảng cách địa lý quá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài, trong khi đó các loại trái cây dễ hỏng, hao hụt trong quá trình vận chuyển. Vận chuyển bằng hàng không thì giá cước quá cao, gấp nhiều lần giá thành sản phẩm.

“Năm 2021 dù đã có đường bay thẳng tới Mỹ và bản ghi nhớ giữa tỉnh Bắc Giang và hãng hàng không về chính sách ưu đãi giá cước nhưng thực tế chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao”, Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng thông tin và bổ sung, hiện nay, chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc. Để xuất khẩu vải thiều đi Mỹ phải vận chuyển trái cây vào TP. Hồ Chí Minh chiếu xạ, điều này làm tăng chi phí vận chuyển và hao hụt về số lượng, chất lượng của vải xuất khẩu.

Bên cạnh đó, quá trình từ thu hoạch, vận chuyển cho đến tay người tiêu dùng tại Mỹ còn dài, quá trình đóng gói, bảo quản chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn dẫn đến quả vải dễ bị hỏng, biến màu khi lên đến kệ siêu thị.

“Vụ thu hoạch vải rất ngắn, chỉ tập trung trong vòng 1 tháng đến 45 ngày. Trái vải chín nhanh thường chỉ bảo quản được từ 3-5 ngày trong điều kiện nhiệt độ phòng. Bên cạnh đó, thời gian quả vải từ khi thu hoạch qua các khâu cho đến khi tới tay người tiêu dùng tại Mỹ mất từ 30-35 ngày.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp”, ông Đỗ Ngọc Hưng nêu rõ thực tế và đề xuất cần thiết phải giảm chi phí vận chuyển để tăng sức cạnh tranh cho quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.


Ông Lê Phú Cường cũng kiến nghị, để mở rộng xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung sang Malaysia, doanh nghiệp cần có biện pháp bảo quản sản phẩm để vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh (ảnh màn hình)

Đối với thị trường Malaysia, ông Lê Phú Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, thị trường nhãn của Malaysia, Thái Lan gần như độc quyền tuy nhiên dung lượng thị trường mặt hàng nhãn rất lớn. Đây là điều đáng lưu ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn của Việt Nam.

“Ngoài ra, hiện Chính phủ Malaysia đang thúc đẩy áp dụng chứng chỉ Halal với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp trong nước nên chú ý vấn đề này”, ông Cường lưu ý và kiến nghị, các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm; chú ý định vị sản phẩm vải, nhãn ở phân khúc thị trường cao cấp hoặc trung bình để đưa vào hệ thống phân phối phù hợp.

“Để mở rộng xuất khẩu nhãn, vải nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam sang Malaysia, doanh nghiệp cần có biện pháp bảo quản sản phẩm để vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường”, ông Lê Phú Cường đề xuất.

Tương tự, đại diện thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho hay, vải thiều và nhãn Việt Nam có thời gian thu hoạch tương đồng với Thái Lan, nhưng bảo quản chưa tốt nên vỏ dễ thâm, chi phí vận chuyển lại cao, nhận diện thương hiệu chưa mạnh...

“Mức giá bán vải thiều Việt Nam tại Thái Lan là gần 10 USD/kg, phần lớn là do chi phí trung gian và vận chuyển cao nên bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, mẫu mã, cần hạ chi phí để tăng sức cạnh tranh”- đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan nói.

Nắm bắt thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả xuất khẩu

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng trái cây cả nước trong Quý II/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn.

Ông Trần Quang Tấn- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, sản lượng vải thiều của toàn tỉnh năm nay đạt trên 180.000 tấn. Trên toàn tỉnh đã có hàng chục mã vùng trồng của doanh nghiệp nước ngoài. Vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Tỉnh Bắc Giang đã chủ động cùng doanh nghiệp đàm phán với khách hàng tại các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, ùn tắc nông sản đang diễn ra tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Với thị trường Hoa Kỳ, việc chiếu xạ cho sản phẩm còn nhiều khó khăn để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.

“Xuất khẩu vải thiều vẫn chủ yếu là vải tươi, vải thiều đã chế biến nhưng còn giữ nguyên hương vị chưa xuất khẩu được nhiều”, ông Trần Quang Tấn thông tin.


Để xúc tiến tiêu thụ quả vải, tỉnh Bắc Giang kiến nghị Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đàm phán với các cơ quan chức năng, địa phương của các nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vải thiều

Do vậy, để xúc tiến tiêu thụ quả vải, tỉnh Bắc Giang kiến nghị Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đàm phán với các cơ quan chức năng, địa phương của các nước bạn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vải thiều. Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; hỗ trợ giúp tỉnh Bắc Giang tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng ở thị trường trong nước và quốc tế;

Khẳng định chất lượng vải thiều Hải Dương đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng cho hay, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu vải thiều và nhãn, còn nhiều dư địa nhưng việc ùn tắc hàng hóa tại biên giới ảnh hưởng đến việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường này. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 và Lệnh 249 với nông sản nhập khẩu cũng gây khó khăn với doanh nghiệp.

Nhận định thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực trong xuất khẩu vải thiều và nhãn, ông Đặng Phúc Nguyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay, thời gian vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là tháng 6 và 7. Lúc này việc thu hoạch vải thiều của Trung Quốc đã vào cuối vụ nên cơ hội cho hàng Việt rất cao.

Vì vậy, để tạo thuận lợi cho vải thiều và nhãn xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị nên ưu tiên luồng riêng cho xuất khẩu vải thiều, nhãn, vì loại quả này rất nhanh hư hỏng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Quân - Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cũng cho hay, lượng xe hàng nông sản Việt Nam đưa lên biên giới cao, gây áp lực cửa khẩu, gần đây xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ khi năng lực thông quan của cửa khẩu đến giới hạn. Do vậy, ông Quân kiến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thường xuyên để phân luồng hợp lý, nắm bắt quy định kiểm dịch với trái cây nhập khẩu từ các thị trường, đặc biệt với vải thiều và nhãn để nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/cac-giai-phap-giam-ap-luc-tieu-thu-vai-va-nhan-95767.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.
Đồng loạt tiến hành kiểm tra hàng chục điểm bán hàng thuộc hệ thống Lamson 10K nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội), lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ nhiều sản phẩm dao cạo râu giả mạo nhãn hiệu và có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Gillette - nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Cụ thể, ngày 06/11/2023, Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Đội cảnh sát Kinh tế và môi trường – Công an huyện Hoằng Hóa đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giấy Đạt Phát; địa chỉ: SN 18, đường TL 510B, Thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Trọng Hải làm chủ cơ sở.