Hồ Chí Minh,

Chi phí phát điện tại Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá thành

Định Khang  09/01/2023 22:30

Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người dùng sử dụng điện trước và trả tiền sau. Cũng giống như các nước trên thế giới, căn cứ theo đặc điểm của việc sản xuất và tiêu dùng điện, ngành điện Việt Nam bao gồm khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán lẻ điện.

Theo xu thế phát triển chung của thị trường điện (phù hợp theo thông lệ quốc tế tại những nước đã thực hiện thị trường bán buôn, bán lẻ điện - Mỹ, Singapore, Anh, Bắc Âu, Úc, Newzeland, Philipines …), khi thị trường bán buôn và bán lẻ điện đi vào hoạt động thì sẽ có cạnh tranh tại khâu phát điện và khâu bán lẻ điện (nhà nước chỉ xây dựng khung pháp lý, các đơn vị tham gia thị trường tự do cạnh tranh, giá điện được xác định dựa trên cung - cầu trên thị trường). Riêng khâu truyền tải điện và khâu phân phối điện mang tính độc quyền tự nhiên nên vẫn chịu sự điều tiết của nhà nước (cơ quan nhà nước phê duyệt giá cho các dịch vụ này).

Theo cơ cấu ngành điện nêu trên thì giá bán lẻ điện đến khách hàng sử dụng điện được xây dựng căn cứ theo chi phí sản xuất, kinh doanh điện của từng khâu hay nói một cách khác thì giá điện được xây dựng từ các yếu tố hình thành giá, trong đó có những yếu tố mang tính khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát và có những yếu tố chủ quan mà đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát, cụ thể như sau:

Yếu tố chi phí mang tính khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát

a) Giá nhiên liệu: Giá nhiên liệu chủ yếu ảnh hưởng tới giá của các nhà máy nhiệt điện (than, khí). Khi giá nhiên liệu biến động theo giá thị trường thế giới thì giá phát điện cũng có biến động tương ứng.

b) Tỷ giá hối đoái: Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến giá điện thể hiện trên các nội dung sau:

- Đối với đơn vị phát điện

+ Chi phí nhập khẩu điện được tính theo ngoại tệ.

+ Chi phí mua điện từ các nhà máy BOT ngoài sự biến động theo giá nhiên liệu nêu trên còn được tính theo giá công suất (đồng/kW/tháng) và giá điện năng (đồng/kWh) được quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ.

+ Ảnh hưởng gián tiếp đến chi phí mua điện từ các nhà máy khác đối với khoản vay ngoại tệ để đầu tư (được tính trong giá cố định bình quân) do phần lớn các nhà máy có sử dụng vốn vay ngoại tệ.

- Đối với đơn vị truyền tải, phân phối điện: ngoài các khoản vay bằng đồng nội tệ, các đơn vị điện lực còn có các khoản vay bằng đồng ngoại tệ để đầu tư, phát triển lưới điện truyền tải và phân phối. Như vậy, sẽ phát sinh khoản chi phí do chênh lệch tỷ giá thực hiện và đánh giá lại (được xác định trên cơ sở tỷ giá tại thời điểm đầu năm với tỷ giá tại thời điểm thanh toán gốc vay và tỷ giá tại thời điểm cuối năm).

c) Cơ cấu sản lượng điện phát: Cơ cấu sản lượng điện phát là tỷ lệ % điện sản xuất tính theo các loại hình nhiệt điện (than, khí, dầu), thủy điện, các dạng năng lượng khác. Mỗi loại hình nhà máy, tùy thuộc vào đặc tính công nghệ, nhiên liệu sẽ có giá điện khác nhau (giá điện của sản xuất thủy điện hoàn toàn khác so với sản xuất nhiệt điện) và tỷ trọng các loại hình nhà máy điện phụ thuộc theo mùa trong năm. Ví dụ, trong mùa mưa thì hệ thống huy động nhiều các nhà máy thủy điện, trong mùa khô thì huy động ít các nhà máy thủy điện và huy động nhiều các nhà máy nhiệt điện, năng lượng khác. Vì vậy, khi cơ cấu sản lượng của các loại hình phát điện thay đổi thì tổng chi phí phát điện cũng thay đổi.

d) Giá thị trường phát điện cạnh tranh: hình thành khách quan theo quy luật cung cầu, không phụ thuộc vào chủ quan của đơn vị phát điện.


Các yếu tố mang tính chủ quan mà đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát

Ngoài 4 yếu tố đầu vào mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát nêu trên, các yếu tố chi phí khác như chi phí vật liệu, tiền lương, khấu hao, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác, lãi vay là các yếu tố chi phí mà các đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát được. Các chi phí này chủ yếu nằm ở khâu truyền tải, phân phối và phụ trợ, quản lý ngành.

Mỗi một quốc gia sẽ có cơ cấu chi phí cấu thành giá điện khác nhau, ví dụ ở Úc, chi phí truyền tải, phân phối điện chiếm tỷ trọng rất lớn do lãnh thổ rộng lớn trong khi Úc lại chủ động được nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí) hay tại Lào có nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng rất lớn nên có chi phí phát điện thấp hơn các nước khác trong khu vực. Như vậy, nên việc so sánh giá điện giữa các nước với nhau hay so với thu nhập bình quân là chưa đảm bảo tính chất so sánh trên cùng một mặt bằng.

Đối với ngành điện Việt Nam thì chi phí phát điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá thành (gần 80%), trong đó phần lớn là các yếu tố chi phí biến động khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát như đã phân tích ở trên nên giá bán lẻ điện bình quân sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn trước những biến động của giá nhiên liệu trên thế giới. Do vậy, tại Việt Nam, việc điều hành giá điện cần thực hiện nhằm phản ánh đúng, đủ biến động của các yếu tố chi phí nhằm đảm bảo cho các đơn vị điện lực bù đắp được chi phí và có lợi nhuận hợp lý để tiếp tục đầu tư, mở rộng nguồn và lưới điện nhưng cũng đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu vĩ mô của nhà nước thông qua việc thực hiện các quy định liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân được quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/chi-phi-phat-dien-tai-viet-nam-chiem-ty-trong-rat-lon-trong-co-cau-gia-thanh-94608.html

Tin cùng chuyên mục   Kinh doanh
Với phương châm lấy phòng ngừa là chính, công tác tuyên truyền bảo vệ an ninh, an toàn cho đường ống dẫn khí luôn được Công ty Khí Cà Mau - đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam triển khai thường xuyên, liên tục trong các năm qua, góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân, doanh nghiệp có hoạt động trên biển đối với việc đảm bảo an ninh, an toàn đường ống dẫn khí dưới biển.
Chiều ngày 20/7/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về hợp tác trong lĩnh vực than.
Tin tức mới nhất
Cụ thể, ngày 06/11/2023, Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Đội cảnh sát Kinh tế và môi trường – Công an huyện Hoằng Hóa đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giấy Đạt Phát; địa chỉ: SN 18, đường TL 510B, Thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Trọng Hải làm chủ cơ sở.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với đại diện chủ thể quyền của nhãn hiệu HONDA và YAMAHA là Công ty Luật TNHH Phạm và Liên doanh liên tiếp kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty Honda và Công ty YAMAHA.
Siêu thị J – Market đã đăng ký mã số thuế với loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên ngoài nhà nước. Tại Hà Nội, cửa hàng siêu thị này kinh doanh nhiều mặt hàng gia dụng, thực phẩm với phương châm “Tiêu dùng chuẩn Nhật”. Tuy nhiên, dù là siêu thị với quy mô kinh doanh lớn, bày bán nhiều mặt hàng nhưng tại đây vẫn xuất hiện những sản phẩm nhập khẩu không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ.