Hồ Chí Minh,

Chủ tịch Địa ốc Alibaba bị bắt: Hàng nghìn khách hàng đứng trước nguy cơ mất "cả chì lẫn chài"?

Quỳnh Phương  20/09/2019 22:19

Quyền lợi của hàng ngàn khách hàng mua đất nền tại các dự án của Địa ốc Alibaba đang như "ngàn cân treo sợi tóc" khi 2 lãnh đạo của doanh nghiệp này vừa bị tạm giữ mới đây.

Nhà đầu tư ngồi trên đống lửa

Như Tieudung.vn đã  thông tin trước đó, chiều ngày 18/9, cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục bắt khẩn cấp đối với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện và Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong khi các cơ quan chức năng đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi của Luyện, Lĩnh, đồng thời mở rộng điều tra các đối tượng liên quan thì hàng nghìn khách hàng đã bỏ tiền đầu tư vào các dự án đất nền của Địa ốc Alibaba như đang ngồi trên đống lửa, không biết số tiền đầu tư còn có cơ hội thu hồi lại hay không khi mà "bộ sậu" của doanh nghiệp hiện đang bị công an bắt giữ.

Cơ quan Công an làm việc với Địa ốc Alibaba và tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tạm giam.

Trình bày với PV Báo Kinh tế & Đô thị, chị L (SN 1987, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, vào thời điểm tháng 7/2018 chị ký hợp đồng mua 1 nền đất tại dự án Alibaba Center City 5 và sau đó cũng ký "hợp đồng quyền chọn" với Địa ốc Alibaba với cam kết thu lại lợi nhuận 12%/6 tháng. Hiện chị L đã thanh toán gần 452 triệu đồng giá trị nền đất cho Địa ốc Alibaba.

"Quá hạn chi trả lợi nhuận nhưng Địa ốc Alibaba vẫn cứ hứa hẹn nhiều lần, không có thiện chí giải quyết theo thoả thuận đã cam kết. Đến nay tôi vẫn chưa nhận lại được tiền. Nay anh em ông Nguyễn Thái Luyện bị bắt, tiền của tôi không biết sẽ đi đâu về đâu", chị L lo lắng.

Tương tự như trường hợp của chị L, ông Q (SN 1976, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, tháng 7/2018 ông có ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng 3 nền đất thuộc dự án Alibaba Center City 5 (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, Đồng Nai) với Công ty CP bất động sản Chiến Thắng.

Sau đó, ông Q tiếp tục ký "hợp đồng quyền chọn" với Địa ốc Alibaba trong đó có điều khoản cho doanh nghiệp này thu lại với lợi nhuận 12%/6 tháng đối với 3 nền đất nói trên. Tổng số tiền ông Q đã thanh toán là 95% giá trị 3 nền đất gần 1,1 tỷ đồng. Đáng nói, những lần thanh toán này ông Q đều chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng cá nhân của lãnh đạo Địa ốc Alibaba.

Tuy nhiên, đến hạn trả lợi nhuận, ông Q nhiều lần liên hệ với Địa ốc Alibaba để nhận tiền thì phía công ty cứ hẹn lần hẹn lượt, không đưa ra hướng giải quyết cụ thể.

Chiều 18/9, sau khi báo chí đồng loạt thông tin các lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt, ông Q vô cùng hoang mạng đã gọi điện đến ngay Công ty Alibaba để hỏi thông tin và được nhân viên kinh doanh của công ty này trấn an rằng công an chỉ khám xét trụ sở chứ không bắt lãnh đạo công ty, ông Luyện hiện còn ở công ty chứ không bị bắt.

"Nếu như có chuyện công an bắt lãnh đạo Công ty Alibaba như thông tin trên các báo, tôi sẽ đến công an trình báo vụ việc. Hi vọng sau khi cơ quan công an giải quyết xong vụ án, khách hàng đã đóng tiền mua đất như tôi sẽ được trả lại ít nhiều, vì suy cho cùng chúng tôi cũng chỉ là người bị lừa", ông Q nói.

Một trường hợp khác cũng là nạn nhân của Địa ốc Alibaba, ông T (SN 1987, quê Đồng Tháp) cho biết, tháng 7/2017 ông đã ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Địa ốc Alibaba nhận chuyển nhượng nền đất tại dự án Alibaba Long Phước 5 (xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Ông T sau đó đã thanh toán tổng cộng 366 triệu đồng cho Địa ốc Alibaba. Tuy nhiên, công ty đã không bàn giao nền đất cho ông T như thoả thuận hợp đồng và ông T chỉ nhận được 1 lần tiền lãi phạt tương ứng 5 triệu đồng.

"Tôi yêu cầu công ty bàn giao nền đất thì họ lại viện đủ lý do để trả lãi phạt 1 lần, sau đó im luôn. Nhiều lần liên hệ công ty thì không được giải quyết. Thêm việc lãnh đạo công ty bị bắt thì đừng nói đến lãi, ngay cả số tiền đầu tư ban đầu cũng khó lấy mà lại được", ông T nói trong tuyệt vọng.

Rõ ràng đây chỉ là một số ít những khách hàng của Địa ốc Alibaba, vì thực chất tính đến nay chưa thể biết chính xác cụ thể có bao nhiêu khách hàng và số tiền mà công ty này thu của khách hàng khủng đến mức nào. Chỉ biết rằng đó là một con số vô cùng lớn.

"Gãy cánh" Địa ốc Alibaba "tố" ngược công an 

Địa ốc Alibaba tổ chức buổi phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội trong sáng 19/9 với mục đích trấn an khách hàng.

Thông tin hai lãnh đạo cấp cao của Địa ốc Alibaba bị bắt chưa kịp lắng xuống, thì sáng nay 19/9, công ty này đã tổ chức buổi livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội Facebook để trấn an khách hàng.

Buổi livestream này được thực hiện ngay tại trụ sở của Địa ốc Alibaba (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), do bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng đối ngoại và đào tạo Alibaba, trực tiếp điều hành. Nhiều khách hàng của Địa ốc Alibaba đã tham gia buổi livetream này.

Một nữ khách hàng cũng cho biết chị rất hoang mang trước thông tin Bộ Công an kêu gọi khách hàng của Địa ốc Alibaba cung cấp thông tin, và yêu cầu đại diện Alibaba giải thích rõ ràng.

Nhiều khách hàng có mặt trực tiếp tại trụ sở công ty này lo lắng sau khi ông Luyện bị bắt thì tiền họ đóng mua đất có lấy được không? Hướng giải quyết của công ty Alibaba như thế nào?

Bà Như cho biết tất cả hồ sơ, giấy tờ đã bị công an thu giữ. Bà Như cũng liên tục trấn an khách hàng: "Công ty đang tìm cách giải quyết. Người nào có đất xin gửi lại công ty để bán…"

Đáng chú ý, bà Như còn mạnh miệng thông tin: "Có nhiều khách hàng được công an kêu lên ký khống vào tờ giấy trắng không có nội dung", đồng thời đề nghị: "Anh chị nào ký vào đơn tố cáo của cơ quan công an thì ký xác nhận vào giúp chúng tôi, còn chưa ký thì cũng xác nhận để chúng tôi gửi đến Bộ Công an, giúp đẩy nhanh quá trình xác minh", bà Như nói.

Với việc Alibaba đang bị Bộ Công An điều tra, chưa kể 2 lãnh đạo nồng cốt của Alibaba vừa bị bắt, có thể dẫn đến việc toàn bộ hoạt động tập đoàn này bị ngừng trệ. Điều này đồng nghĩa với toàn bộ khách hàng của Alibaba không thể nhận sổ đỏ và cũng không thể nhận được số tiền đã góp vào hợp đồng. Với hiện trạng đó thì rõ ràng nhà đầu tư hiện nay của Alibaba đang đối mặt với nguy cơ mất "cả chì lẫn chài", lẽ nào ngày tàn của Địa ốc Alibaba thật sự đã đến?

Tiểu Thúy/ Theo TieuDung24h

 

Link gốc: https://chg.vn/chong-hang-gia/chu-tich-dia-oc-alibaba-bi-bat-hang-nghin-khach-hang-dung-truoc-nguy-co-mat-ca-chi-lan-chai-11470.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.