Thời gian gần đây, thông tin về Dự án Khu dân cư Tiến Phước Nam Sài Gòn (tên thương mại là Senturia Nam Sài Gòn) được chào bán rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến không ít người dân đang sinh sống tại đây lo lắng. Bởi chí ít, họ vẫn còn là chủ sở hữu hợp pháp của những thửa đất lọt thỏm giữa đại dự án này.
Theo giới thiệu, Senturia Nam Sài Gòn có tổng diện tích gần 20ha, tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh), gồm 300 căn nhà phố, 80 căn nhà phố thương mại, cùng 90 căn biệt thự. Chủ đầu tư dự án, Công ty Tiến Phước, cho biết, giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành và giao nhà trong năm 2020.

Liên lạc theo số điện thoại được đăng tải công khai trên trang web https://senturia.com.vn, PV Báo Lao Động được một nhân viên xưng tên Nguyễn Thanh Tùng tận tình tư vấn:
"Đợt 1 mở bán tháng 3, dự án đã bán hết 108 căn nhà liền kề, mỗi căn có diện tích 60m2, giá khoảng hơn 6 tỉ/căn. Nếu anh mua thì cho em biết tên, đến tháng 9.2019 mở bán đợt 2, em sẽ liên hệ thông báo, giá bán đợt 2 chắc sẽ cao hơn đợt 1".

Ngày 18.4, theo ghi nhận của PV tại khu đất dự án Senturia Nam Sài Gòn, công ty Tiến Phước đã tiến hành quây khoảng 100m rào tôn dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh. Khu vực được mở bán nằm ở góc cuối của đại dự án, khá vuông vức và mới có đường nội bộ.
Đi sâu vào bên trong, bên cạnh những hộ dân đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống, buôn bán kinh doanh bình thường. Nhiều căn nhà bê tông kiên cố vẫn chưa được giải tỏa.

Một người dân là anh Lê Minh Tân, SN 1985, chia sẻ: "Do chính sách đền bù chưa thỏa đáng nên nhiều hộ dân tại đây vẫn chưa di dời.
Chúng tôi sống ở đây từ lâu, giờ bị thu hồi đất, chuyển đi nơi khác sinh sống cũng khó khăn, mức giá đền bù thấp, nhận tiền rồi không biết mua chỗ nào, nhà cửa thì ngày càng mắc, khó mua".
Một hộ dân khác thì cho biết, mong muốn của họ là được lấy đất nền để tái định cư tại chỗ, bởi nếu dời đi thì phải đi thuê nhà trọ, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, con cái học hành cũng bị ảnh hưởng.
Thời gian qua, chủ đầu tư đã xuống thương thảo nhiều lần nhưng người dân chưa thể đồng ý.

Ngày 22.4, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Phan Thị Thu Thảo – Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Tiến Phước – cho rằng, việc đơn vị mở bán đợt 1 vào tháng 3.2019 là không sai quy định vì tổng thể dự án rất rộng, khu vực mở bán vốn đã được giải phóng mặt bằng xong từ lâu (?!).
Suốt cuộc trao đổi, bà Thảo tránh dùng từ "mua bán" mà nói đó là hoạt động "tiếp thị" và "giữ chỗ". Khi PV ngỏ ý muốn tìm hiểu kỹ hơn tính pháp lý của hoạt động này thì bà Thảo thừa nhận không rõ hợp đồng ký kết ở hình thức gì và hứa sẽ cho kiểm tra lại.
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc chủ đầu tư mở bán dự án khi chưa giải phóng xong mặt bằng ngoài việc là "hành vi thách thức pháp luật một cách rõ ràng" còn "tiềm ẩn rủi ro cho chính khách hàng".
Vị luật sư nhấn mạnh: "Đất chưa "sạch" thì lấy gì đảm bảo dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ cam kết? Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng đang cầm đằng lưỡi.
Trước đây, cũng nhiều dự án khác chưa giải phóng mặt bằng xong đã vội vã bán "chui" đất nền, bán nhà, hậu quả cuối cùng khách hàng là người lĩnh đủ vì người dân không chịu di dời khiến dự án cứ "đắp chiếu" mãi", tiền chết cứng ở đó mà chẳng thể đòi được".
Theo Lao Động