Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP.
Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hàng năm, khoảng 35 - 40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chú trọng phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng
Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chương trình hành động tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thành các nhiệm vụ cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, khả thi cao nhất; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ở giai đoạn trước; bổ sung đánh giá sự phát triển của kinh tế tư nhân, trong đó chú trọng sự phát triển bền vững cả về số lượng và chất lượng, trong xu hướng phát triển các ngành nghề mới liên quan đến kinh tế số, đổi mới sáng tạo.
5 nhiệm vụ chủ yếu
Chương trình đặt ra 5 nhiệm vụ chủ yếu: 1- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; 2- Tiếp tục mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; 3- Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân; 4- Tiếp tục tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; 5- Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.
Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp
Triển khai các nhiệm vụ trên, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất khung pháp luật đối với hộ kinh doanh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ quý II năm 2024.
Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng các giải pháp, chính sách khai thác hiệu quả thị trường nội địa; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thao túng, chi phối thị trường, quan hệ cung - cầu hàng hóa, dịch vụ; tăng cường tính minh bạch và kiểm soát lạm dụng vị trí độc quyền kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết với chi phí hợp lý, đảm bảo kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông, tăng cường liên kết giữa các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị…
Theo Tạp chí Quản lý thị trường