Sự kiện do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức thường niên từ năm 2017 đến nay. Với chủ đề “Smart E-commerce” sự kiện năm nay thu hút khoảng hơn 2.500 cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam và quốc tế.
Khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho rằng, thương mại điện tử thông minh sẽ là xu hướng nổi bật trong năm 2023 khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam. Vì vậy, “Smart E-commerce” sẽ là câu chuyện dài mà rất nhiều các chuyên gia và các thương hiệu lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử... sẽ chia sẻ tại Diễn đàn.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn
Cùng theo lãnh đạo VECOM, đặt trong bối cảnh của nền kinh tế sau dịch và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành thương mại điện tử đã và đang là một trong những ngành có những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ nhất để thích nghi với tình hình mới tại Việt Nam.
Khai thác góc nhìn “thông minh” (smart) trong thương mại điện tử, Diễn đàn sẽ tập trung sâu về các xu hướng thương mại điện tử hiện nay và tương lai, các mô hình kinh doanh, giải pháp cho thương mại điện tử trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết một số chủ đề nóng và đang nhận được nhiều sự quan tâm cũng được các diễn giả và chuyên gia trao đổi, phân tích như: Nghiên cứu thị trường về hành vi người tiêu dùng thông minh khi mua sắm và thận trọng chi tiêu; Xu hướng thương mại điện tử và Mô hình kinh doanh thương mại điện tử thông minh; Mô hình phân phối mới và phương pháp sử dụng hiệu quả KOC/KOL; AI ứng dụng trong thương mại điện tử; Ứng dụng công nghệ thông minh để tăng trưởng đột phá trên thương mại điện tử...
Bên cạnh các phiên chính với sự tham gia của nhiều chuyên gia, năm nay, diễn đàn còn có phiên kết nối (networking) các chuyên gia với người tham dự tại sự kiện vào cuối ngày. Đây là một hoạt động mới trong khung chương trình diễn đàn các năm qua, hứa hẹn tạo ra nhiều hoạt động kết nối, giao thương, học hỏi từ chính những người tham dự.
Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2023
VECOM ước tính năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.
Những khó khăn lớn của nền kinh tế từ giữa năm 2022 đã kéo dài sang quý 1 và có thể đến hết năm 2023. Trong khó khăn đó, VECOM đánh giá thương mại điện tử của quý 1 tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ và cả năm vẫn có thể đạt trên 25%. Như vậy, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất.
Tuy nhiên, khi so sánh mức trung bình toàn cầu và đặc biệt là so với Trung Quốc thì các tỷ lệ trên còn rất thấp. Năm 2022 tại Trung Quốc bán lẻ hàng hoá trực tuyến chiếm 27,2% toàn bộ doanh số bán lẻ hàng hoá, gấp đôi tỷ lệ này của năm 2016 và cao hơn tỷ lệ 24,5% của năm 2021. Rõ ràng thương mại điện tử nước ta dù phát triển với tốc độ cao nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Tiềm năng cho sự phát triển thương mại điện tử còn rất lớn.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường