Hội nghị do ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La và bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Văn phòng UBND, Sở Công Thương tỉnh Sơn La, Trung tâm Phát triển TMĐT - Cục TMĐT và KTS, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), một số trường đại học đào tạo chuyên ngành TMĐT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), Công ty TNHH Giải pháp phát triển Doanh nghiệp (iViet), Công ty Cổ phần công nghệ Sapo, ACCESSTRADE, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB – Đại lý ủy quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam, Công ty TNHH Interspace Việt Nam… và khoảng 200 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La.
TMĐT là “dòng chảy tự nhiên” và “đích” đến của xã hội hiện đại
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công
Nhận thức tầm quan trọng của TMĐT trong lộ trình phát triển của địa phương, Đại diện Lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La đưa ra nhiều chính sách và giải pháp để hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển TMĐT. Đến hết năm 2022, đã có 1.957 doanh nghiệp đang thực hiện kê khai nộp thuế qua mạng; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán POS không dùng tiền mặt; các cơ sở kinh doanh tại trung tâm các huyện, thành phố đã áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các hợp tác xã, hộ nông dân đã tận dụng mạng xã hội, sàn TMĐT để quảng bá, tiêu thụ hàng hóa nông sản. Các sản phẩm, nông sản hàng hóa của Sơn La đã có mặt tại hầu hết các sàn TMĐT lớn trong nước.
Giới thiệu đặc sản mận, nhãn, xoài Sơn La bên lề Hội nghị
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc phát triển TMĐT tại địa phương so với mặt bằng chung của cả nước còn khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, các mặt hàng của Sơn La chủ yếu là trái cây tươi, có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hỏng, giảm chất lượng nếu không có quy trình bảo quản, vận chuyển phù hợp.
Tuy nhiên, tỉnh chưa có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp đối với các loại hàng hóa nông sản khiến việc đưa mặt hàng trên lên các nền tảng TMĐT gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các trang TMĐT của tỉnh Sơn La mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công và Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS Lại Việt Anh nghe doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng TMĐT để bán hàng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của Bộ Công Thương (đặc biệt là Cục TMĐT và KTS), Hiệp hội TMĐT Việt Nam, các doanh nghiệp TMĐT, logistic và các chuyên gia… để hỗ trợ tỉnh Sơn La phát triển TMĐT bền vững trong thời gian tới.
Mấu chốt thành công của TMĐT là vấn đề con người
Đồng tình với những ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS bày tỏ sự trăn trở về mục tiêu đưa TMĐT trở thành một trong những động lực để phát triển kinh tế, xã hội tại Sơn La. Với vai trò là đơn vị tham mưu cho Bộ Công Thương trong lĩnh vực TMĐT nói chung và chuyển đổi số nói riêng, đại diện Cục TMĐT và KTS khẳng định sẽ cố gắng để kết nối, đưa các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực TMĐT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân Sơn La tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả với TMĐT, kinh tế số.
Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Lại Việt Anh
Phó Cục trưởng chia sẻ thêm, đến với Hội nghị hôm nay, Đoàn công tác gồm trên 20 cán bộ, chuyên gia đến từ Cục TMĐT và KTS, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), Trường Đại học Thương mại, và các doanh nghiệp cung cấp về nền tảng, giải pháp hàng đầu tại Việt Nam… “Chúng tôi đến đây để cùng tìm hiểu về những thế mạnh cũng như khó khăn cụ thể tại Sơn La, từ đó, đề xuất những giải pháp tổng thể, giúp Sơn La tìm ra cách làm hiệu quả, định hướng phát triển TMĐT thời gian tới” – Phó Cục trưởng nhấn mạnh.
Thông tin tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Lại Việt Anh cho biết, xét quy mô nền kinh tế internet phân theo quốc gia năm 2022, Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Indonesia và Thái Lan nhưng được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ. Có được thành tựu như vậy là nhờ Nhà nước có chính sách và biện pháp thích hợp nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển minh bạch, bền vững thông qua Chương trình phát triển TMĐT quốc gia. Đại diện Lãnh đạo Cục TMĐT và KTS gửi lời cảm ơn các địa phương vì thời gian qua luôn đồng hành, hưởng ứng những chính sách, định hướng phát triển TMĐT từ Chính phủ, Bộ Công Thương và đã luôn cộng tác, trao đổi trực tiếp với các đầu mối của Cục để kết nối, đưa chính sách đến cuộc sống.
Một trong những điểm nhấn trong phần chia sẻ của Phó Cục trưởng Lại Việt Anh là vấn đề xác định rõ yếu tố giúp phát triển TMĐT thành công. Theo đó, Phó Cục trưởng khẳng định, TMĐT hay kinh tế số không phải chỉ có công nghệ số, nhờ công nghệ số mới thành công. Mấu chốt thành công của TMĐT là vấn đề con người, là ý chí và nỗ lực để biến thành hành động cụ thể. Doanh nghiệp, địa phương nào có lãnh đạo sát sao để phát triển TMĐT, doanh nghiệp và địa phương đó mới tiến tới sự thành công. Lãnh đạo Cục TMĐT và KTS kỳ vọng vào sự thành công của TMĐT Sơn La trong thời gian tới, bởi vì, mặc dù Sơn La còn rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, Sơn La sẽ có bước tiến mới trong phát triển TMĐT, đưa những sản phẩm tiêu biểu của địa phương đến với người tiêu dùng cả nước và bước đầu chinh phục thị trường nước ngoài.
7 giải pháp thúc đẩy phát triển TMĐT tại Sơn La
Chia sẻ tại Hội nghị về những khó khăn phát triển TMĐT tại Sơn La, bà Đỗ Thị Bích Châu - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở đã tham mưu Lãnh đạo tỉnh 7 giải pháp để phát triển TMĐT trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất: Xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT. Đặc biệt mở rộng, nâng cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tăng độ phủ sóng di động 4G, 5G. Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp trong thương mại và dịch vụ công, trong đó chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code… từng bước khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về đơn vị sản xuất với các tiêu chí chính như: năng lực sản xuất, trình độ nhân sự, tình trạng ứng dụng các nền tảng và giải pháp,….
Thứ hai: Tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho nông dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số, TMĐT, bán hàng online. Cùng với đó xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động ứng dụng TMĐT, bao gồm nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý chuyên trách, thống kê, tư vấn hỗ trợ cũng như vận hành các mô hình kinh doanh TMĐT.
Thứ ba: Xây dựng và hoàn thiện mô hình liên kết, kết nối giữa các cơ sở sản xuất với người mua hàng, cơ sở cung ứng dịch vụ logsictics thông qua các sàn TMĐT.
Thứ tư: Xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa tỉnh Sơn La một cách nhất quán, đồng bộ trên môi trường kinh tế số. Đồng thời quản lý tốt quản lý chất lượng hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, củng cố và bảo vệ hình ảnh hàng hóa nông sản xanh, an toàn tỉnh Sơn La.
Thứ năm: Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường tiêu thụ, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ giúp cho việc xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bằng các công cụ số của Sơn La hiệu quả hơn.
Thứ sáu: Các hợp tác xã, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc học hỏi tiếp cận với các hình thức kinh doanh mới trên không gian mạng. Chủ động liên kết hợp tác với đơn vị cung cấp các giải pháp TMĐT. Đồng thời chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế
Thứ bảy: Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng như Sở Công Thương, Sở Thông tin & Truyền thông, Cục Quản lý thị trường, Cục thuế tỉnh...; phối hợp chặt chẽ với Cục TMĐT & KTS - Bộ Công Thương để quản lý chặt chẽ hoạt động TMĐT. Hạn chế những tác động tiêu cực, những mặt trái của TMĐT mang lại đối với người tiêu dùng, xã hội.
Phiên thảo luận tại Hội nghị
Phiên thảo luận cũng như các bài tham luận của diễn giả tại Hội nghị đã nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đó là những chia sẻ rất cởi mở, rất thực tế, liên quan đến các giải pháp hỗ trợ vận chuyển, kết nối và tiêu thụ nông sản trên các nền tảng TMĐT nội địa, sàn TMĐT xuyên biên giới, Hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài nước; Định hướng về cơ chế, chính sách phát triển TMĐT tỉnh Sơn La; Giải pháp hỗ trợ ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm đối với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh…
Theo Tạp chí Quản lý thị trường