Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 vừa tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, trong năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng EVNHCMC đảm bảo cung ứng điện ổn định, liên tục, an toàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn TP.HCM, góp phần tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế Thành phố sau ảnh hưởng nặng nề của làn sóng đại dịch COVID-19.Theo Báo cáo tổng kết, năm 2022, EVNHCMC đạt được kết quả cụ thể như: Điện thương phẩm thực hiện đạt trên 27 tỷ kWh, tăng 11,03% so với năm 2021 và đạt 106,16% kế hoạch EVN giao. Tổn thất điện năng đạt 2,61%, thấp hơn 0,51% so với năm 2021 (3,12%) và thấp hơn 0,69% so với kế hoạch EVN giao. Thời gian mất điện bình quân của 1 khách hàng/năm (SAIDI) khoảng 35 phút, tốt hơn nhiều so với kế hoạch (là 73 phút). Năng suất lao động đạt 4,9 triệu kWh/lao động (kế hoạch 4,53 triệu kWh/lao động); 100% dịch vụ cho khách hàng thực hiện trong môi trường số.
Tổng công ty đã hoàn thành hệ thống đo lường, thu thập, phân tích điện năng sử dụng qua công tơ thông minh (AMR) với việc thay thế hầu hết các công tơ điện tử có chức năng thu thập dữ liệu từ xa, giúp khách hàng có thể theo dõi chất lượng điện năng và lượng điện tiêu thụ hàng ngày qua App CSKH.
Về chuyển đổi số, EVNHCMC đã trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được chứng nhận hình thành doanh nghiệp số. Theo đó, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh có 3/24 đơn vị trực thuộc đã được xác nhận đạt mức độ Nâng cao về chuyển đổi số (mức 4/5). Tổng công ty cũng đã hoàn thành 43/43 nhiệm vụ thuộc kế hoạch chuyển đổi số EVN giao trong năm 2022. Tổng công ty cũng vinh dự được trao giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022 vì đã “khai thác sức mạnh của các công cụ tự động hóa trong hành trình xây dựng lưới điện thông minh”. Đây là giải thưởng nhằm công nhận các tổ chức đã bắt tay vào các dự án chuyển đổi kỹ thuật số doanh nghiệp thông qua việc áp dụng đổi mới công nghệ. Lưới điện thông minh của TP.HCM được SPGroup tiếp tục đánh giá tăng điểm so với năm 2021, là năm thứ 3 liên tiếp tăng điểm đánh giá.
(Ảnh EVN)
Công tác đầu tư xây dựng được tập trung điều hành theo mô hình chuyển đổi số và có những chuyển biến tích cực. Điển hình, trong năm đã đóng điện công trình trọng điểm trạm 220kV Tân Cảng; khởi công công trình ngầm hóa tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, đưa Thạnh An trở thành xã đảo đầu tiên của cả nước có lưới điện được ngầm hóa.
Công tác đào tạo, phong trào thi đua sáng kiến tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Trong năm, EVNHCMC có thêm 25 kỹ sư được công nhận Kỹ sư ASEAN, nâng tổng số kỹ sư ASEAN của EVNHCMC lên 212 người, chiếm 40,3% số kỹ sư ASEAN cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của EVNHCMC đã đạt được trong năm 2022. Tổng công ty luôn chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số để thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh EVN)
Bước sang năm 2023, Tổng giám đốc EVN đề nghị EVNHCMC đảm bảo điều hành và vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, liên tục với chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng cao; tổn thất điện năng tiếp tục giảm; đáp ứng đầy đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và dân sinh của Thành phố.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết: Từ những kết quả đánh giá các chỉ số kinh tế, kinh thuật, dịch vụ chăm sóc khách hàng, hiện nay EVNHCMC đang đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Tập đoàn Điện lực Singapore). Với những nền tảng hiện có và sự nhạy bén trong đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, quản trị, EVNHCMC cần hướng tới trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện lực.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường