Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (Chương trình OCOP), các Bộ ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả nhiều sản phẩm, trong đó có nhóm sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch". Đến nay, cả nước đã có gần 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là hướng đi hiệu quả. Đặc biệt, bộ Tiêu chí về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đối với Hà Nội, với bề dày lịch sử, văn hóa và nhiều di sản, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Thực tế, đã có nhiều khu du lịch trở thành điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, như: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức); làng cổ Đường Lâm, đền Và (thị xã Sơn Tây); khu đền Hạ, đền Trung, đền Thượng (huyện Ba Vì); đền thờ Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín); đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)… Đây là lợi thế rất lớn để Hà Nội phát triển du lịch cũng như kinh tế nông thôn và Chương trình OCOP.
Theo chuyên gia, việc các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP chính là hướng đi đúng để chuẩn hóa và phát triển. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội. Khi sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được nhiều du khách biết đến…
Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân là nơi hội tụ đầy đủ những nét đẹp, yên bình của một làng quê ven đô
Theo các chuyên gia, sản phẩm OCOP liên quan du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Cần tránh tình trạng hình thức, phong trào vì thực tế đã xuất hiện các sản phẩm cẩu thả, chỉ chú trọng gắn mác.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có khả năng tích hợp các giá trị từ kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường sinh thái đến "bếp ăn". OCOP phải trở thành một phần thú vị trong các sản phẩm du lịch của mỗi chuyến đi và điểm đến của du khách.
Muốn vậy, cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm trước và sau khi được công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng. Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm đến nếu để xảy ra tình trạng sản phẩm OCOP giả mạo, kém chất lượng.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường