Theo điều 4 của dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (gọi tắt là Thông tư) do Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến đóng góp thì đơn vị sản xuất có 5 cách thể hiện hàng hóa Việt Nam của mình.
Theo đó, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ sau đây để thể hiện hàng hóa là của Việt Nam trên nhãn hàng và trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó. Cụ thể là 5 cụm từ: "Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam"; "Hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam"; "Sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất"; "Chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo"; "Chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác".
Trong buổi thảo luận với báo chí về nội dung trong dự thảo Thông tư vào chiều 14/8/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, quy định này giúp doanh nghiệp có cơ sở, yên tâm hơn khi xác định sản phẩm của họ có được phép ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam hay không?
Thông tư giúp các doanh nghiệp không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ" tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43/2017/NĐ-CP sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã từng xảy ra trong thời gian qua.
Ngoài 5 cách thể hiện hàng hóa Việt Nam nói trên, dự thảo cũng quy định các tổ chức, cá nhân không được phép sử dụng các cụm từ khác như "Lắp ráp tại Việt Nam" hay "Gia công tại Việt Nam", "Thiết kế tại Việt Nam". Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép lựa chọn một trong 5 quy định nói trên cho phù hợp với quy trình sản xuất, gia công, chế biến của họ. Theo kinh nghiệm của thế giới thì các sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường dùng các cụm từ "Sản phẩm của …" mà không dùng các cụm từ như "Chế tạo tại …" hay "Sản xuất tại…"
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm, Thông tư không cho phép hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam mà ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài như "Made in Vietnam" hay "Product of Vietnam", ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải bằng tiếng Việt.
Việc thể hiện sản phẩm của Việt Nam trên hàng hóa cũng không phải là quy định bắt buộc mà do doanh nghiệp tự lựa chọn gán xuất xứ hay không gán trên sản phẩm, tài liệu giới thiệu hàng hóa của mình. Còn khi gán xuất xứ Việt Nam lên sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp. Doanh nghiệp tự xác định sản phẩm của mình có đủ tiêu chuẩn để gán xuất xứ Việt Nam hay không và tự chịu trách nhiệm. Chỉ khi nào có phát sinh kiện tụng thì khi đó cơ quan nhà nước mới xác minh sản phẩm đó ghi xuất xứ đúng với các tiêu chí theo quy định của Nhà nước hay không.
Trước các ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tự xác định và ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" sẽ xảy ra tình trạng không đảm bảo tính chính xác. Vậy Bộ Công Thương có tính đến khả năng một cơ quan nhà nước đứng ra đánh giá và cấp giấy chứng nhận để doanh nghiệp yên tâm hay không. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: "Ban soạn thảo Thông tư chưa bao giờ tính đến khả năng này, bởi cơ chế "đánh giá – công nhận" sẽ thực sự là gánh nặng cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Việc cấp giấy chứng nhận sẽ tái lập lại cơ chế xin – cho, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu Thông tư được ban hành, thì doanh nghiệp sẽ tự giác thực hiện. Nhà nước chỉ sử dụng Thông tư để phân xử đúng – sai khi phát sinh tình huống đòi hỏi phải phân xử".
My Lan/ itcnews