Hồ Chí Minh,

Hội thảo tham vấn doanh nghiệp đối với Dự thảo Bộ quy tắc Hướng dẫn thực hành Kinh doanh có Trách nhiệm trong Thương mại điện tử tại Việt Nam

Định Khang  12/01/2023 00:00

Hội thảo tham vấn doanh nghiệp đối với Dự thảo Bộ quy tắc Hướng dẫn thực hành Kinh doanh có Trách nhiệm trong Thương mại điện tử tại Việt Nam

Ngày 10/1/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP Việt Nam) đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Bộ quy tắc hướng dẫn thực hành Kinh doanh có trách nhiệm trong Thương mại điện tử tại Việt Nam theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Nhằm khuyến khích hoạt động thương mại trên các sàn, website thương mại điện tử phát triển một cách lành mạnh, bền vững, vì người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP Việt Nam) đã hợp tác thực hiện Sáng kiến Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Hội thảo tham vấn là sự kiện thứ hai tiếp nối buổi giới thiệu sáng kiến đã được tổ chức vào ngày 14/12/2022 tại Hà Nội trước đó, hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến góp ý của các doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán hàng hóa, dịch vụ thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc các website, ứng dụng thương mại điện tử đối với Dự thảo Bộ Quy tắc hướng dẫn Thực hành kinh doanh có Trách nhiệm trong Thương mại điện tử tại Việt Nam (Bộ quy tắc).


Phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đã nhấn mạnh: Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực đang được cộng đồng kinh doanh quan tâm và thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và hội nhập quốc tế đã làm cho hoạt động mua bán sản phẩm, hàng hóa thông qua thương mại điện tử trở nên thông dụng ở Việt Nam. Đặc biệt, việc sử dụng phương thức này trong tiêu dùng đã gia tăng mạnh mẽ hơn trong và sau đại dịch Covid 19. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà thời gian qua số lượng người tiêu dùng khiếu nại khi mua hàng trên các sàn, website thương mại điện tử, … đã tăng lên nhanh chóng. Cùng với đó thì các rủi ro như lừa đảo, gian lận thương mại; bán hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; mua bán, trao đổi, sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi được phép; … xuất hiện ngày càng nhiều trong lĩnh vực này. Những vấn đề này đang gây khó khăn cho các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện quản lý, giám sát; gây hệ lụy cho xã hội.

Chính vì vậy, thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Đây vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng cũng là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội. Trên cơ sở đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá cao về hoạt động xây dựng Bộ quy tắc. Hội thảo này là cơ hội để nhóm soạn thảo lắng nghe ý kiến đóng góp thẳng thắn, thiết thực từ phía các tổ chức, cá nhân kinh doanh để giúp nhóm soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc nói trên để Bộ quy tắc khi được ban hành sẽ là cuốn cẩm nang không thể thiếu, là bộ công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp trong việc xây dựng, nâng cao uy tín, danh tiếng và thương hiệu của mình đối với người tiêu dùng và trên thị trường, từ đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, có tính đột phá, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội của nước ta.


Tiếp đó, bà Bùi Thu Hiền - Chuyên gia về chính sách và pháp luật, Quản lý chương trình Kinh doanh và Quyền con người tại UNDP Việt Nam đã chia sẻ 3 điểm cấp thiết của Bộ quy tắc.

Thứ nhất, Bộ quy tắc (Coc) cần theo sát và thúc đẩy Các Nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Quyền con người của Liên Hợp Quốc (UNGPs) – cốt lõi của Kinh doanh có trách nhiệm.

Thứ hai, kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn phải hạn chế, phòng ngừa các tác động tiêu cực khác từ hoạt động kinh doanh (dù chưa đến mức vi phạm pháp luật) lên con người, môi trường và xã hội, và xa hơn nữa là tạo ra những tác động tích cực cho xã hội.

Thứ ba, sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong suốt tiến trình xây dựng, ban hành và thúc đẩy việc áp dụng Bộ quy tắc là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của Bộ Quy tắc.


Đại diện nhóm nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc cũng đã thông tin về quá trình xây dựng bản dự thảo, theo đó dự thảo hiện tại gồm 4 phần nội dung chính bao gồm (1) Nguồn hàng, (2) Vận hành, (3) Bán hàng, và (4) Các hành vi ứng xử có liên quan.

Ngay sau đó, hội thảo đã tiến hành trao đổi, thảo luận về nội dung của dự thảo Bộ Quy tắc và đã nhận được đa dạng những góp ý, kiến nghị đến từ nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, như đại diện từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) và các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp trên sàn, website thương mại điện tử tại Việt Nam như Tập đoàn Sea Group (Singapore), Shopee, L'Oreal, GS25, AEON, Baemin, … để phát triển bộ quy tắc một cách toàn diện và đảm bảo tính khả thi cao hơn.


Một số ý kiến đề nghị bộ quy tắc cần có nội dung đơn giản, dễ hiểu, theo sát bối cảnh thực tế để có thể thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng; cần bổ sung nội dung về việc không được sử dụng thông tin, hình ảnh của các thương hiệu, địa chỉ liên lạc của các thương hiệu để lừa dối người mua hàng; cần quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường trong kinh doanh thương mại điện tử, và đề xuất áp dụng mô hình kinh doanh thân thiện môi trường, trong đó nhấn mạnh “sử dụng kiện hàng xanh” hay “ưu tiên sử dụng phương tiện vận chuyển có mức trung hòa carbon tốt nhất”; bổ sung các hướng dẫn liên quan đến cơ chế giải quyết khiếu nại với khách hàng, người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử. Bộ quy tắc cũng cần cung cấp cụ thể hơn các tiêu chí đánh giá, nhấn mạnh đến các tiêu chí ưu tiên để khi doanh nghiệp áp dụng bộ quy tắc có thể chủ động dẫn chiếu, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp mình, cũng như giúp doanh nghiệp chuẩn bị hiệu quả cho việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.


Hoạt động thương mại điện tử là một hoạt động phức tạp, có sự liên quan của nhiều bên liên quan, trong cả môi trường mạng và môi trường thực tế. Sự phức tạp này dẫn đến việc khó phân định trách nhiệm giữa các bên và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các tác động tiêu cực lên con người và môi trường. Do đó, việc xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc rất cần sự tham gia và đóng góp ý kiến của tất cả các bên liên quan: từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử, cho đến các đơn vị kinh doanh hàng hóa-dịch vụ, các bên cung cấp dịch vụ phụ trợ như logistics, quảng cáo, trang mạng hay ứng dụng thương mại điện tử, người lao động và người tiêu dùng.

Hội thảo trên là hoạt động thứ hai trong chuỗi các hoạt động nhằm xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc hướng dẫn Thực hành Kinh doanh có Trách nhiệm trong lĩnh vực Thương mại điện tử tại Việt Nam. Các sự kiện tiếp theo trong chuỗi hoạt động này sẽ được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng như Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cập nhật trong các tin tức sau.

Nguồn: Phòng Bảo vệ người tiêu dùng

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Link gốc: https://vcca.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=9343771e-96be-48b5-a35d-b8ea9bc1aa93&id=282d1f47-8417-4c36-99a7-371af527ed5b

Tin cùng chuyên mục   Bảo vệ người tiêu dùng
Siêu thị J – Market đã đăng ký mã số thuế với loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên ngoài nhà nước. Tại Hà Nội, cửa hàng siêu thị này kinh doanh nhiều mặt hàng gia dụng, thực phẩm với phương châm “Tiêu dùng chuẩn Nhật”. Tuy nhiên, dù là siêu thị với quy mô kinh doanh lớn, bày bán nhiều mặt hàng nhưng tại đây vẫn xuất hiện những sản phẩm nhập khẩu không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bùng phát lừa đảo trực tuyến với quảng cáo “việc nhẹ lương cao”, gần 400 cơ quan, tổ chức có tên miền .gov.vn và .edu.vn bị xâm nhập, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ... là những thông tin được nêu trong Báo cáo tổng kết tình hình an ninh mạng Việt Nam 6 tháng đầu năm của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam - NCS đưa ra sáng nay 23/6.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bám sát các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.