Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Chile trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt những kết quả tích cực. Chile hiện là một trong 4 đối tác thương mại đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil, Mexico và Argentina) và dệt may nằm trong top 3 những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may và các sản phẩm liên quan của Việt Nam vào các thị trường khu vực Âu-Mỹ tính đến hết tháng 9 năm 2022 đạt 20,35 tỷ USD, tăng 27,3 % so với cùng kỳ năm 2021. Con số này hiện đang chiếm khoảng 59% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thế giới.
Chile thuộc Mỹ la tinh tăng trưởng ấn tượng 92% với kim ngạch 133 triệu USD. Trước đó, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, dệt may nằm trong top 3 những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Chile. Năm 2020 đạt 94 triệu USD. Trong cả giai đoạn 2016-2020, mặt hàng này tăng mạnh nhất vào năm 2018 (48,1%), đạt giá trị cao nhất vào năm 2019 (146,3 triệu USD) và sau đó giảm xuống vào năm 2020.
Dệt may nằm trong top 3 những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Chile
Đánh giá về triển vọng của thị trường Chile đối với hàng dệt may của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chile dù là một thị trường nhỏ tại Nam Mỹ nhưng cơ hội lại rất rộng mở cho hàng hóa Việt Nam. Bởi, với Hiệp định CPTPP, Chile cam kết cắt giảm 95,1% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp có hiệu lực và 99,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 8, trong đó, thuế với hàng dệt may được xóa bỏ vào năm thứ 8.
“Các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng không phải là thế mạnh của Chile và không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân nước này. Hàng năm, Chile phải nhập khẩu trên 16 tỷ USD hàng tiêu dùng. Do vậy, các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Chile chủ yếu mang tính bổ sung, không cạnh tranh lẫn nhau”, Thương vụ Việt Nam tại Chile thông tin.
Cũng theo Thương vụ, với dân số khoảng 18,3 triệu người, thị trường Chile không phải là một thị trường rộng lớn, nhưng Chile là một trong những cửa ngõ quan trọng để hàng hóa doanh nghiệp Việt có thể vươn ra các thị trường tiềm năng khác ở châu Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, ý kiến của những doanh nghiệp đã và đang giao thương với thị trường Chile cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng xuất khẩu sang thị trường này, nhưng hiện tại đang còn gặp một số rào cản và thiếu thông tin, sự kết nối giữa 2 bên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Chile phải qua các nhà phân phối từ các nước thứ ba...
Đưa ra giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Chile nói riêng cũng như thị trường các nước Mỹ Latinh nói chung, ông Phạm Trường Giang - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chile khuyến cáo, các sản phẩm xuất sang thị trường Chile phải ghi xuất xứ, nhãn mác trên bao bì. Thông số trên mỗi sản phẩm đóng gói phải thể hiện rõ chất lượng vệ sinh, sự pha trộn nguyên liệu, giá trị dinh dưỡng, tỷ lệ thành phần cấu thành... và phải được in bằng tiếng Tây Ban Nha.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu phải thực hiện quy trình ghi nhãn mới hàng hóa tới Chile, hoặc các nhà xuất khẩu phải dán thêm nhãn Tây Ban Nha lên hàng hóa trước khi xuất khẩu.
“Giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha là một thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta nên tìm hiểu kỹ văn hóa con người, văn hóa kinh doanh... của người dân, doanh nghiệp Chile để khai thác tối đa những cơ hội hợp tác, đầu tư”, ông Phạm Trường Giang khuyến cáo.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường