Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 800 triệu USD và đang có sự hồi phục dần. Lũy kế, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 41,5% kế hoạch.
Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, giảm 18% so với cùng kỳ - đây cũng là mức giảm thấp nhất từ đầu năm. Dù vậy, lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 6 vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước đạt khoảng 156 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh khiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm 11,1% so với cùng kỳ
Lãnh đạo Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản sụt giảm mạnh cùng với sản phẩm đồ gỗ và lâm sản đã khiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngành thủy sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn như: Ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cùng với hậu quả tác động của dịch Covid-19, lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia vốn là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng thủy sản của Việt Nam: Mỹ, EU, Nhật Bản...
Dù vậy, VASEP cho rằng, thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam - Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40-50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối Quý III.
Trong nửa cuối năm, kỳ vọng vào sự phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị... để duy trì đơn hàng
Để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị... để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thuỷ sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà, hay hướng tới các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn phù hợp với mức thu nhập thấp.
Ông Huỳnh Thanh Lĩnh, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Hải Vương nhìn nhận, khó khăn và thách thức lớn nhất lúc này của công ty là thị trường đầu ra đang co cụm, các thị trường chính như Mỹ, EU... gần như chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán xuất khẩu giảm mạnh, trong khi đó, chi phí sản xuất trong nước vẫn tăng cao. Chính vì thế, mục tiêu lúc này của công ty là nỗ lực sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, duy trì thị trường, việc làm cho người lao động, đồng thời hoàn thiện hệ thống sản xuất, chờ thị trường hồi phục.
Tương tự, với cách nhìn của doanh nghiệp thủy sản có quy mô vừa, không quá lớn, ông Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Hà Nội chọn giải pháp tập trung vào hoạt động gia công chế biến xuất khẩu, vì lĩnh vực này ít bị tác động hơn so với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp linh hoạt trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất cũng như cơ cấu hàng hóa gia công chế biến.
Trong báo cáo nghiên cứu của Công ty CP chứng khoán SSI phát hành vào cuối tuần qua, chuyên gia SSI cho rằng, mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ, Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao, nhưng các công ty kinh doanh xuất khẩu thủy sản sẽ bắt đầu thấy ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản); chi phí vận chuyển giảm.
SSI kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ trong Quý III/2023 (do giá bán trung bình đạt đỉnh trong Quý III/2022) và tăng trưởng lợi nhuận dương từ Quý IV/2023.
Tại một số doanh nghiệp, đơn đặt hàng trong Quý III/2023 đang dần cải thiện so với Quý II/2023 xét về sản lượng tiêu thụ.
SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của nhiều doanh nghiệp sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2024, do xuất khẩu sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối Quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024.
Với việc nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung, việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường