Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản, liên quan đến các lĩnh vực của ngành Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với các kiến nghị vừa được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đưa ra, Bộ Công Thương đã gom thành 3 nhóm vấn đề chính:
Thứ nhất, về công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường: Trong hoạt động này, hệ thống phân phối xuất khẩu là vô cùng quan trọng trong thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối, nắm bắt thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng... Chính vì vậy, từ năm 2022, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hiệu quả, Bộ Công Thương đã phối hợp với bộ, ngành địa phương, hiệp hội, ngành hàng, hệ thống các cơ quan tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức Chương trình giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hằng tháng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngành Công Thương sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong các vấn đề tranh chấp thương mại
“Hoạt động này nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin mới về thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu, cơ hội xúc tiến thương mại, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để có kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, tiếp cận thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh và cho biết thêm, hoạt động còn đưa ra những thông tin nhằm cảnh báo sớm các rào cản thương mại, chính sách bảo hộ tại các thị trường và đồng hành cùng doanh nghiệp trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại.
Thứ hai, về kiến nghị mở rộng thị phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương nhìn nhận, Trung Quốc là một trong 3 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam với dung lượng lên tới khoảng 23 tỷ USD/năm.
Vì vậy, cùng với việc thị trường này dỡ bỏ chính sách "Zero Covid", Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng cho thuỷ sản Việt Nam.
Tuy nhiên, thuỷ sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với 2 đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ (đang chiếm thị phần chi phối 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc). Với các thuỷ hải sản khác như cá biển, tôm, mực, bạch tuộc…, Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu từ các quốc gia khác.
"Bộ Công Thương nhất trí với sự cần thiết trong việc đánh giá, xây dựng chiến lược gia tăng thị phần thuỷ sản Việt Nam tại Trung Quốc trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.
Thứ ba, liên quan đến việc bảo vệ các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, Bộ Công Thương cho biết, cả 2 hiệp hội, ngành hàng đều đã có nhiều kinh nghiệp liên quan đến các vụ việc tranh chấp thương mại quốc tế trong những năm vừa qua.
“Với vai trò của mình, Bộ Công Thương luôn bám sát toàn bộ quá trình, vụ việc để theo dõi việc tuân thủ cam kết quốc tế của các cơ quan điều tra nước ngoài cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vụ việc, giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”, Thứ trưởng khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hàng loạt các giải pháp như: Cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại cụ thể; tham gia cung cấp, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực kháng kiện phòng vệ thương mại.
Các hoạt động trên đã mang lại một số kết quả tích cực như vụ việc Ấn Độ chấm dứt điều tra chống bán phá giá với gỗ MDF của Việt Nam, nhờ đó các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
"Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc ứng phó xử lý các vấn đề về phòng vệ thương mại theo quy định", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.
Ngoài ra, đối với kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế do mức hỗ trợ hiện nay quá thấp so với chi phí thực tế, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ ngân sách Nhà nước đối với tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài được quy định tối đa là 200 triệu đồng/đơn vị tham gia.
Nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế luôn chiếm tỉ lệ lớn trên tổng kinh phí được phê duyệt cho Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hằng năm. Năm 2022, Bộ Công Thương được cấp 140 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ cũng đã cố gắng dành khoảng 40% kinh phí này cho quảng bá nông, lâm thuỷ sản.
Tuy nhiên, trước nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của các hiệp hội, ngành hàng, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục tăng cường phối hợp với đơn vị liên quan, lựa chọn triển khai những hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp; đồng thời, huy động nguồn tài chính, đóng góp của địa phương, doanh nghiệp tham gia để có nguồn lực tổ chức các hoạt động triển lãm hiệu quả, thực chất, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường