Trong chia sẻ mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính với phóng viên báo chí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, 2022 là năm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp, địa phương và nhân dân cũng như của ngành Tài chính cùng với các bộ, ngành khác, có thể đánh giá, năm 2022 là năm dành nhiều thắng lợi. Trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng chúng ta đã bứt phá, đạt được những kết quả hết sức to lớn.
Cụ thể, theo Bộ trưởng, năm 2022, tăng trưởng kinh tế dự kiến có thể đạt 7,5% GDP, thu ngân sách đến nay đã đạt hơn 1.691 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán hơn 19%, vượt cùng kỳ khoảng 18%, dự kiến cuối năm vượt khoảng 20%. “Đây là thành công rất lớn khi chúng ta đã giảm phí, lệ phí, thuế, giãn hoãn nộp các loại thuế, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách khác theo gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính, hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí trị giá khoảng 233 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Cũng theo Bộ trưởng, năm 2022, nợ công được quản lý chặt chẽ, các chương trình dự án được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, trong năm, ngành đã giữ ổn định, nợ công ở mức khoảng 41-42%. Trong đó nợ Chính phủ khoảng 40-41%, nợ nước ngoài khoảng 39-40%/ngưỡng Quốc hội cho phép là 60%, chỉ số trả nợ hàng năm là khoảng 19%/ngưỡng Quốc hội cho phép là 25% trên tổng thu ngân sách. Bội chi ngân sách dưới 4%, dưới mức Quốc hội cho phép. Đây cũng là thành công rất lớn của chúng ta.
“Như vậy, năm 2022, chúng ta đã đạt những thành tích lớn, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội cũng như tài chính - ngân sách của năm. Chúng ta đã điều hành chính sách tài khóa rất hiệu quả, từ tiết kiệm chi đến thực hiện gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các kết quả đã đạt được thể hiện những thành tựu to lớn của toàn ngành Tài chính”, Bộ trưởng nhận định.
Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng cho biết, đây sẽ là năm đầy thách thức ảnh hưởng từ tình hình quốc tế như: Khủng hoảng chính trị, biến động kinh tế thế giới, lạm phát các nước, lãi suất tăng cao cũng như khủng hoảng năng lượng... tác động đến nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, vấn đề tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, khó khăn của thị trường vốn khi lãi suất tăng cao cùng với room tín dụng thấp, trái phiếu doanh nghiệp đến hạn... có thể tác động lớn đến nền kinh tế nước ta năm 2023.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo chỉ đạo tài tình của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tin rằng, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tích cực tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội những giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tạo mọi điều kiện hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển; giữ chính sách tài khóa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã đã trình Chính phủ ban hành 17 nghị định, hiện đang xây dựng 29 nghị định, cố gắng ban hành trong năm 2023. Đặc biệt, năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành 68 thông tư, sang năm 2023 có gần 100 thông tư phải ban hành. Do đó, cần thực hiện một cách chính xác, kiến tạo chính sách phù hợp để tạo đà cho kinh tế phát triển.
Vấn đề nữa là tạo nguồn lực thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển. Nguồn lực đó có thể từ nguồn lực công như tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thu ngân sách, các quỹ nhà nước ngoài ngân sách... dẫn dắt kinh tế ngoài nhà nước phát triển. Đồng thời, chúng ta ổn định thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp để chứng khoán thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.
Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo điều hành linh hoạt, hiệu quả, luôn luôn tạo chỗ dựa và bổ sung cho nhau để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là nền kinh tế phát triển bền vững, đạt hiệu quả.
Cho rằng, công tác phối hợp rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị, do vậy, trong năm 2023, theo Bộ trưởng, vấn đề mấu chốt trước hết là phải tháo gỡ những nút thắt về pháp lý cho các dự án, chương trình hiện nay còn dở dang như: bất động sản, hệ thống các nhà máy, điện mặt trời, điện gió... thúc đẩy hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thứ hai là đảm bảo các dòng vốn: Vốn tín dụng ngân hàng, vốn trái phiếu, đầu tư công, các quỹ nhà nước ngoài ngân sách và các dòng vốn khác để thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Do đó, cần sự chung tay để đảm bảo các dòng vốn thông suốt, làm sao để dòng tiền lưu thông một cách tốt nhất như những “mạch máu” của nền kinh tế, không tạo cục máu đông”, Bộ trưởng lưu ý.
Ngoài ra, cần tập trung chuyển đổi số. Năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong công tác này. Trong chính sách tài khóa, chúng ta chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế rất thành công, giúp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý.
Đây là những vấn đề yêu cầu đổi mới về khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển nguồn nhân lực. Chúng ta sẽ kiến tạo những giải pháp mới để đạt những mục tiêu đã được Đảng, Quốc hội thông qua. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực tăng thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu; tăng cường thanh tra kiểm tra xử lý sai phạm gây mất an ninh kinh tế.
“Chúng ta phải thực hiện hết sức quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp thì chắc chắn năm 2023, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được thành công, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội đạt kết quả cao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường