Nhằm quán triệt, phân công và giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện theo lĩnh vực phụ trách, ngày 13/1/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, ngay sau khi có Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao phó.
Chính vì vậy, Chương trình hành động của ngành đã cụ thể hóa thành 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên Chính phủ đưa Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết 01/NQ-CP để thực hiện.
Ngày 13/1/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023
Báo cáo về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, ông Nguyễn Quốc Anh Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2023 và các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật, các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành; tập trung tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hơn nữa, khẩn trương xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng; tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới; mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Cùng đó, đổi mới xúc tiến thương mại, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường;nâng cao năng lực phòng vệ thương mại bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, phù hợp với các cam kết quốc tế…
Tại hội nghị, bà Đỗ Thu Hương-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu rõ, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 có một số điểm mới, thay vì tốc độ phát triển xuất khẩu nhanh đã tập trung vào phát triển xuất khẩu bền vững.
Cùng đó là các yếu tố để đạt thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; về bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Đặc biệt, chiến lược xác định các động lực mới cho phát triển xuất nhập khẩu là: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo.
Cùng đó chiến lược bổ sung định hướng phát triển thị trường nhập khẩu hàng hóa, đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, chiến lược bổ sung mục tiêu về cơ cấu hàng xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, gần đây Trung Quốc đã mở cửa biên giới, bởi vậy, Cục Xuất nhập khẩu và đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chính quyền địa phương triển khai đề án xuất khẩu theo chính ngạch để quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài đã đề cập đến nhiệm vụ cụ thể của đơn vị theo đó triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hơn nữa, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm; phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, xử lý vấn đề tồn đọng, kéo dài thuộc một số dự án.
Ngoài ra, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để triển khai có hiệu quả quy hoạch khoáng sản nhằm huy động nguồn lực mới cho tăng trưởng, gia tăng năng lực sản xuất, phát triển công nghiệp vật liệu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phù hợp phục vụ sản xuất.
Đặc biệt, Cục tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19; triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch…
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, tới đây sẽ hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó, có sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, phát triển quản lý chợ về dầu khí, nghị định về hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện…
Mặt khác, Vụ sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá, đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh thực hiện đề án đổi mới hàng hóa nông sản; bảo đảm hàng hóa, nguồn cung xăng dầu góp phần kiểm soát tốc độ chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phát triển hạ tầng thương mại đặc biệt là thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Giao nhiệm vụ mới với Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh trong việc sửa đổi các Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ đã xây dựng kế hoạch mà cấp thẩm quyền cho phép, thành lập ban soạn thảo, biên tập và cũng lấy ý kiến của bộ ngành cơ quan các địa phương, chuyên gia, ý kiến của tổ chức trong hệ thống kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng yêu cầu khắc phục một cách triệt để những nội dung không phù hợp với hoạt động kinh doanh xăng dầu; làm rõ hơn trách nhiệm các bên, các tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện tổ chức trong hệ thống kinh doanh xăng dầu từ đầu mối đến việc phân phối, tổng đại lý, đại lý phải rõ ràng.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý đơn giản các thành tố trong hệ thống kinh doanh xăng dầu 5 cấp thành 2-3 cấp. Cơ chế rà soát cập nhật định mức cần thể hiện rõ, cập nhật các chi phí đầu vào để tránh lỗ, sát hơn với đầu vào. Thời hạn điều hành tránh dày quá.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh phát biểu tại Hội nghị
Liên quan đến quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, có 3 chỉ tiêu đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nội địa và tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử với mức cao. Hơn nữa, trong bối cảnh gian lận thương mại trong môi trường thương mại điện tử tăng cao, có trách nhiệm đấu tranh rất lớn của lực lượng quản lý thị trường.
Theo ông Trần Hữu Linh, ngày 12/1/2023 lực lượng cũng đã ban hành Kế hoạch công tác và giao nhiệm vụ cụ thể cho 69 đơn vị đầu mối của Cục. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cần phản ứng nhanh hơn, giảm kiểm tra định kỳ, tăng kiểm tra đột xuất.
Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cần tiếp tục siết kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong thực thị chức trách nhiệm vụ; nhất là thời gian trước, trong và sau tết lực lượng cần tăng cường kiểm tra các mặt hàng chiến lược. Đáng lưu ý cần mở chiến dịch cao kiểm tra kinh doanh xăng dầu từ sản xuất đến phân phối. Bộ trưởng sẽ có Công điện về vấn đề này.
Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, ông Dương Mạnh Sơn- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho hay, năm 2023, tập đoàn sẽ bảo đảm tuyệt đối an toàn kể cả khai thác dầu khí và nhà máy lọc dầu, sản xuất phân đạm… Đây là nhiệm vụ chung nhưng sẽ tăng cường trong năm 2023.
Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ nâng cao kỷ cương, thực hiện xử lý các vụ việc thanh kiểm tra để nâng cao hiệu quả đầu tư; tập trung vào đầu tư dự án trọng điểm và nghiên cứu và đẩy mạnh khai thác trữ lượng dầu khí.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ thể hiện rất rõ những đề án, nhiệm vụ, 9 nhóm giải pháp và hơn 50 nhiệm vụ. Do vậy, để thực hiện nghiêm Chương trình hành động, các Thứ trưởng, lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ, người đứng đầu ngành công thương các địa phương căn cứ vào trách nhiệm để khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện; đặc biệt đề cao trách nhiệm.
Hơn nữa, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu thực hiện chủ trương của Đảng, đối chiếu với thực tiễn cuộc sống để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hoặc hoàn thiện cơ chế chính sách mới, tạo ra những đột phá cho từng lĩnh vực, từng ngành. Đặc biệt, các đơn vị phải rút kinh nghiệm trong cơ chế phối hợp mấy năm vừa qua và cần sự phối hợp nhịp nhàng của tổ chức, đơn vị, cá nhân hơn nữa.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường