Nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hàng Việt ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải- Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động yêu cầu doanh nghiệp đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, đổi mới, sáng tạo đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ hiện đại giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng đó, thúc đẩy việc mở rộng mối liên doanh, liên kết thành lập tham gia vào các chuỗi… để sản phẩm, dịch vụ ngày càng chất lượng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90%, riêng tỷ lệ hàng Việt tại chuỗi siêu thị GO! của Tập đoàn Central Retail đã lên đến 94-96%; tại chợ truyền thống đạt 60-70%... Điều này cho thấy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại hiệu quả hết sức to lớn.
Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90% |
Trước đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Chính vì vậy, Đề án có ý nghĩa tích cực trong việc đảm bảo đời sống của người dân, duy trì phát triển kinh tế- xã hội ổn định trước bối cảnh đang có nhiền biến động về khủng hoảng kinh tế trên thế giới; thách thức của hội nhập và ảnh hưởng của dịch COVID-19.
“Đề án này hướng tới mục tiêu góp phần phát triển thị trường trong nước, tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối. Từ đó, thiết lập các chuỗi giá trị chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền đến tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, nhất là đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Qua khảo sát thị trường cho thấy, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp người tiêu dùng được tiếp cận với nhiều hơn với hàng hóa chất lượng.
Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, hàng Việt đang ngày càng được lựa chọn nhiều bởi giá thành hợp lý, phù hợp với túi tiền của các tầng lớp trong xã hội. Cùng với đó, chất lượng, mẫu mã ngày càng được nâng lên, phong phú về chủng loại… các mặt hàng được nhiều người lựa chọn nhất là nông sản, thời trang, hàng tiêu dùng.
Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp trong nước đã triển khai nhiều giải pháp kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước. Cụ thể như tăng tỷ lệ nội địa hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; mở rộng thị trường, đặc biệt các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Qua đây, doanh nghiệp đã thể hiện tốt vai trò quan trọng của mình trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, lương thực, thực phẩm.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)khẳng định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước và quyết định lựa chọn. Hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng do cơ bản có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng và chất lượng không kém hàng ngoại.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa cũng ưu tiên hàng trong nước, việc vận động ủng hộ hàng cứu trợ những nơi bị phong tỏa, cách ly cũng được sử dụng hàng Việt. Cùng với đó, việc giúp đỡ tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản của địa phương lan tỏa rộng khắp khiến người tiêu dùng quan tâm sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
Theo bà Lê Việt Nga, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Việc này nhằm tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường