Hồ Chí Minh,

Nhờ CPTPP, xuất khẩu thủy sản sang Australia tăng liên tục

Định Khang  10/04/2023 15:33

Ở năm 2018, Australia là thị trường nhập khẩu thủy sản đứng thứ 9 của Việt Nam. Kể từ 2019, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, sau 4 năm, tới 2022, Australia đã trở thành thị trường đơn lẻ đứng thứ 6 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kể từ năm 2018 tới 2022, trong top 6 thị trường hàng đầu về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, Australia là thị trường duy nhất có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng liên tục. Từ mức 197 triệu USD năm 2018, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Australia đã tăng 85% lên 365 triệu USD năm 2022. Tỷ trọng của thị trường Australia do vậy cũng tăng từ 2,2% lên 3,3% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

“Hội nhập kinh tế cùng với các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cơ hội gia tăng xuất khẩu thủy sản sang Australia trong thời gian qua”, VASEP nhận định.


Hội nhập kinh tế cùng với các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định CPTPP mang lại cơ hội gia tăng xuất khẩu thủy sản sang Australia trong thời gian qua

Cũng theo VASEP, sau 4 năm Hiệp định CPTPP được thực thi, tôm chân trắng là sản phẩm xuất khẩu tăng đột phá và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các sản phẩm xuất khẩu sang Australia. Cụ thể, năm 2022, xuất khẩu sản phẩm này sang Australia đạt 259,5 triệu USD, tăng 171% so với 112 triệu USD năm 2018, trước khi hiệp định CPTPP có hiệu lực. Doanh thu từ tôm đã chiếm 71% giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022, so với năm 2018 con số này là 49%.

Nằm trong top 3 các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Australia có cá chẽm (barramundi) chiếm 6% doanh số xuất khẩu với giá trị gần 21 triệu USD năm 2022. Cá chẽm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm nuôi của công ty Australis tại Việt Nam. Cá chẽm là loài được ưa chuộng không chỉ ở Australia mà cả ở Mỹ vì dễ chế biến, thịt nạc, ít xương.

Ngoài ra Australia cũng nhập khẩu một lượng đáng kể các sản phẩm hải sản khác của Việt Nam và có doanh số tăng mạnh trong những năm qua. Ví dụ, cá trích tăng 158% sau 5 năm, cá ngừ tăng 81%, cá đục tăng 143%, cá chai tăng 255%, nghêu tăng 68%, nước mắm tăng 190%...

Ngược lại, khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Australia bị giảm tỷ trọng từ 24% xuống còn 10%. So với năm 2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Australia giảm 18%, từ 47 triệu USD xuống còn 38 triệu USD.

Trong những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, trong đó, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước là điểm sáng, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 15,7 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm 2021, đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.

Riêng lĩnh vực thủy sản, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Australia, chiếm 23% nhập khẩu năm 2022.

“Tỷ trọng này cao hơn rất nhiều so với con số 13% cách đây 5 năm, kết quả này cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của hàng thủy sản Việt Nam sang Australia nhờ mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp và các Hiệp định FTA với thị trường này gồm AANZFTA, CPTPP và RCEP”, VASEP nhấn mạnh và cho biết, sau Hiệp định CPTPP, các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra, hải sản của Việt Nam nhập khẩu vào Australia đều được hưởng mức thuế 0%.

Mới đây, trong cuộc hội kiến ngày 4/4 với Toàn quyền Australia David Hurley nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Australia tạo thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Australia để cân bằng cán cân thương mại song phương.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, Quý I/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 63 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng giảm 34%, xuất khẩu cá tra giảm 26%, cá chẽm giảm 34%... Bối cảnh của năm 2023 thị trường Australia cũng không tránh khỏi tác động của vòng xoáy lạm phát thực phẩm khiến cho tiêu thụ bị ảnh hưởng và sụt giảm.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/nho-cptpp-xuat-khau-thuy-san-sang-australia-tang-lien-tuc-95266.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.