1. Bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt – Trung là văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung phát triển ổn định, cân bằng và bền vững, là cơ sở thúc đẩy triển khai các biện pháp nhằm duy trì thông suốt, tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại song phương. Bản ghi nhớ gồm 06 Điều với các nội dung về Nguyên tắc hợp tác; Mục tiêu hợp tác; Nội dung hợp tác; Cơ chế triển khai; Sửa đổi, bổ sung và giải quyết tranh chấp; Hiệu lực.
Trong đó, phần “Nội dung hợp tác” (Điều 3) gồm 10 khoản với một số nội dung chính được hai Bên nhất trí như sau:
- Tiếp tục tận dụng hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có do hai Bên là đầu mối để trao đổi kịp thời các biện pháp đảm bảo duy trì thông suốt, tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại song phương.
- Trong trường hợp chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai nước bị gián đoạn hoặc có nguy cơ bị gián đoạn, hai Bên khẩn trương trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp hoặc điều phối các Bộ, ngành, địa phương liên quan (nếu cần) triển khai các biện pháp cần thiết nhằm khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai nước trong thời gian sớm nhất.
- Thúc đẩy đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch bệnh và ứng phó với các sự cố tại các cửa khẩu biên giới giữa hai nước và các cảng đến khác.
- Điều phối, thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa hai nước, trong đó bao gồm hàng hóa Việt Nam vận chuyển quá cảnh đường sắt Trung Quốc xuất khẩu đi nước thứ ba.
- Phối hợp cơ quan quản lý về đường sắt tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo phổ biến thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp hai nước tăng cường khai thác hình thức vận tải hàng hóa bằng đường sắt giữa hai nước.
- Kịp thời chia sẻ thông tin về các biện pháp và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của mỗi Bên để các Bên chủ động thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu liên quan của nước nhập khẩu.
- Cập nhật kịp thời tình hình vướng mắc phát sinh và các điều chỉnh biện pháp (nếu có) về thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu của mỗi nước.
Đối với Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, hai Bên nhất trí triển khai hợp tác trong 04 lĩnh vực chính bao gồm Thương mại và thuận lợi hóa thương mại; Xúc tiến thương mại; Hợp tác đầu tư; Liên thông liên kết. Một số nội dung cụ thể:
(i) Thương mại và thuận lợi hóa thương mại
- Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng hai nước tăng cường hợp tác, mở rộng quy mô thương mại đối với các sản phẩm mà mỗi Bên có ưu thế và nhu cầu theo nguyên tắc thị trường và quy định luật pháp mỗi nước.
- Phối hợp thúc đẩy các cơ quan liên quan hai nước đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
- Phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và thông quan nông sản, thực phẩm của hai Bên qua cửa khẩu biên giới trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi; thúc đẩy các lực lượng chức năng tại cửa khẩu biên giới hai nước tăng cường trao đổi, phối hợp trong công tác vận hành cửa khẩu.
- Phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt của Việt Nam qua Vân Nam đi các địa phương khác của Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi các nước châu Á, châu Âu và hàng hóa từ Vân Nam quá cảnh Việt Nam đi các nước ASEAN.
- Thúc đẩy các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc (Vân Nam), nâng cao hiệu suất thông quan hai Bên, cung cấp thông tin kịp thời về kế hoạch hoạt động của các cửa khẩu và các quy định mới tại cửa khẩu; xây dựng phương án hoạt động ổn định của các cửa khẩu (lối mở), đảm bảo duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hợp pháp giữa hai Bên.
- Tăng cường phối hợp, tiếp tục tối ưu hóa quy trình thông quan trên cơ sở đối đẳng giữa hai Bên nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai nước được ổn định, thông suốt và không bị gián đoạn.
- Cung cấp, chia sẻ thông tin kịp thời về chính sách quản lý thương mại biên giới, tình hình hoạt động, các quy định liên quan đến thông quan, kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam) để kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh.
- Phối hợp thúc đẩy các cửa khẩu có điều kiện phù hợp của phía Trung Quốc sớm hoàn thành xây dựng khu vực giám sát quản lý chỉ định nhập khẩu hoa quả, lương thực.
(ii) Xúc tiến thương mại
- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và dành ưu đãi cho doanh nghiệp hai Bên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, hội thảo giao thương, lễ hội mua sắm, duy trì tổ chức thường niên và gia tăng hiệu quả của Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung tại mỗi Bên.
- Cùng phối hợp mời các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hai Bên tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tại mỗi Bên nhằm tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, duy trì và mở rộng cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác tại Bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) và Sở Công Thương 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ký kết năm 2018.
(iii) Hợp tác đầu tư
- Cùng nghiên cứu, phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc (Vân Nam) vào các dự án trong ngành công nghiệp hỗ trợ, nông sản/thực phẩm chế biến, hóa chất, cơ khí, khai khoáng, luyện kim.
- Khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hải sản, nông sản xuất khẩu qua biên giới, bao gồm vận tải đa phương thức đường bộ, đường sắt, đường hàng không tại Việt Nam.
(iv) Liên thông liên kết
- Phối hợp thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương liên quan của hai nước tăng cường hợp tác, đẩy nhanh việc xây dựng kết nối cơ sở hạ tầng giao thông giữa hai nước; thúc đẩy mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới có điều kiện phù hợp.
- Thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và kết nối giữa các cửa khẩu và các khu (điểm) chợ biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam) nhằm đảm bảo cho hoạt động thương mại và thông quan giữa hai nước được duy trì thông suốt, thuận lợi.
- Phối hợp thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương liên quan hai nước tăng cường hợp tác, kết nối đường bộ, đường sắt, đường hàng không, trong đó có công trình cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực Bát Xát (Lào Cai, Việt Nam) – Bá Sái (Vân Nam, Trung Quốc); phương án kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), dự án cầu đa năng thuộc khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) – Kim Thủy Hà (Trung Quốc), công trình giao thông qua biên giới thuộc cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) – Thiên Bảo (Trung Quốc).
Sau khi ký kết và có hiệu lực, Bộ Công Thương và các đối tác Trung Quốc đang tiếp tục trao đổi và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các Bản ghi nhớ nêu trên.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường