Hồ Chí Minh,

Sẵn sàng nguồn nhân lực để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến

Định Khang  13/03/2023 18:19

Khi xúc tiến xuất khẩu trực tiếp trên nền tảng thương mại điện tử vấn đề quan trọng nhất doanh nghiệp cần lưu ý là chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho hoạt động xuất khẩu này. Bên cạnh đó là ngôn ngữ, nhân sự kỹ thuật chăm sóc các gian hàng...

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương hàng hóa đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa điện tử là hướng đi tất yếu.

Trong Hội nghị “Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ đa cực” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sàn thương mại điện tử Alibaba.com tổ chức mới đây, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, nhờ có thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kênh xúc tiến xuất khẩu hay nói cách khác là xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài.


Nhờ có thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kênh xúc tiến xuất khẩu hay nói cách khác là xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài

Cục trưởng Vũ Bá Phú khẳng định, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử mang lại một số cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi mà khả năng tài chính bị hạn chế, khó tiếp cận thị trường nước ngoài một cách trực tiếp như nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

“Với thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tới tay người tiêu dùng ở những thị trường lớn như là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay Singapore…”, ông Vũ Bá Phú dẫn chứng và cho biết, thông qua thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cụ thể, như với Alibaba, sàn thương mại điện tử này đang có gần 300 triệu khách hàng đăng ký, trong đó có 26 triệu người mua hoạt động thường xuyên và trải rộng trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Do vậy, thương mại điện tử là thị trường rất tiềm năng, giúp các các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống.

Thấu hiểu thị trường, sẵn sàng nhân lực

Với thương mại điện tử, cơ hội xuất khẩu hàng hóa có nhiều, song theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon... cho đến nay vẫn còn rất khiêm tốn trong tổng số khoảng 200.000 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua thương mại điện tử tăng dần qua các năm thông qua nhiều hoạt động hợp tác với Alibaba. Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp, nâng số doanh nghiệp được đào tạo, huấn luyện, có tài khoản đăng ký trên Alibaba từ 1.000 doanh nghiệp năm 2020 lên hàng chục nghìn doanh nghiệp vào năm 2022. Trong số đó, có một tỷ lệ khá cao các doanh nghiệp bán hàng có doanh thu trực tiếp từ hoạt động xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử này.


Để xuất khẩu thành công hơn nữa qua các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp phải chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho hoạt động này

Rõ ràng chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều khi tiết kiệm chi phí trong xúc tiến thương mại, tiết kiệm thời gian bằng phạm vi, quy mô độ phủ của các chiến dịch maketing với thời gian ngắn hơn. Lợi ích là như vậy, nhưng khi xúc tiến thương mại xuất khẩu trực tiếp trên nền tảng thương mại điện tử, Cục trưởng Vũ Bá Phú khuyến nghị, vấn đề quan trọng nhất doanh nghiệp cần lưu ý là chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho hoạt động xuất khẩu này.

Hơn nữa, để xuất khẩu qua thương mại điện tử đòi hỏi doanh nghiệp phải biết ngôn ngữ bản địa, có chuyên viên giao dịch trực tiếp, trả lời online, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, yếu tố kỹ thuật cũng cần có nhân sự chăm sóc gian hàng thường xuyên, liên tục, đảm bảo khi khách hàng tìm kiếm có thể tiếp cận với sản phẩm bắt mắt, hiệu quả.

Điều đáng chú ý là khi xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử doanh nghiệp cần tuân thủ quy định riêng của các sàn từ quy cách, đóng gói, số lượng lưu kho, dự trữ và bên cạnh đó phải lưu ý thủ tục hải quan, cũng như chính sách khác như với hoạt động xuất khẩu truyền thống.

Bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, hiện Hoa Kỳ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,3 tỷ USD. Đây cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay vượt mốc 100 tỷ USD/năm. Tháng 1/2023, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD.

“Để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này, mỗi doanh nghiệp phải lựa chọn phương thức phù hợp. Nếu là các doanh nghiệp nhỏ, nên tận dụng việc bán hàng thông qua các kênh thương mại điện tử phổ biến tại Hoa Kỳ để xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, tiếp cận khách hàng toàn cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cập nhật thường xuyên những quy định về yêu cầu pháp lý của thị trường; các yêu cầu về quy định chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu; Kỹ năng khai thác thông tin và công cụ trực tuyến tìm kiếm các thông tin yêu cầu về thị trường Hoa Kỳ”, bà An chia sẻ.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/san-sang-nguon-nhan-luc-de-thuc-day-xuat-khau-truc-tuyen-95010.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.