Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam được tổ chức từ 2017 đến nay, là sự kiện thường niên quy tụ đông đảo cộng đồng thương mại điện tử.
Sau 6 năm tổ chức, Diễn đàn đã tạo ra sức lan tỏa rộng khắp, trở thành một điểm đến giá trị và nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi vô cùng quý báu đối với ngành thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tiếp nối thành công của Diễn đàn năm 2022, năm nay, VOBF 2023 lựa chọn “SMART E-COMMERCE” là chủ đề chính của Diễn đàn. Trong đó, Smart Tech và Smart Solutions là hai khía cạnh quan trọng nhất.
Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2022
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM cho biết, tại mỗi thành phố, Diễn đàn diễn ra cả ngày từ 8h00 đến 17h30, và được tổ chức gồm bốn phiên, hai phiên buổi sáng và hai phiên buổi chiều. Trong đó, mỗi phiên sẽ gồm 3-4 bài trình bày chính đến từ các chuyên gia đầu ngành, các lãnh đạo doanh nghiệp và 1 phần tọa đàm để người tham dự có thể hỏi - đáp cùng chuyên gia và khai thác sâu hơn về các chủ đề được chia sẻ trong phiên.
Đặt trong bối cảnh của nền kinh tế sau dịch và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành thương mại điện tử đã và đang là một trong những ngành có những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ nhất để thích nghi với tình hình mới tại Việt Nam. Khai thác góc nhìn “thông minh” (smart) trong thương mại điện tử, diễn đàn tập trung sâu về các xu hướng thương mại điện tử hiện nay và tương lai, các mô hình kinh doanh, giải pháp cho thương mại điện tử trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số chủ đề nóng và đang nhận được nhiều sự quan tâm cũng sẽ được các diễn giả và chuyên gia trao đổi, phân tích tại diễn đàn như nghiên cứu thị trường về hành vi người tiêu dùng thông minh khi mua sắm và thận trọng chi tiêu, xu hướng thương mại điện tử và Mô hình kinh doanh thương mại điện tử thông minh, AI ứng dụng trong thương mại điện tử, giải pháp tài chính thông minh cho thương mại điện tử...
Ông Nguyễn Ngọc Dũng nhận định, thương mại điện tử thông minh sẽ là xu hướng nổi bật trong năm 2023 khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam. Vì vậy, “Smart E-commerce sẽ là câu chuyện dài mà rất nhiều các chuyên gia và các thương hiệu lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như Tiktok, Amazon, Lazada, Nielsen, Accesstrade, Gosell, Haravan,… sẽ chia sẻ tại Diễn đàn năm nay”.
Theo ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, VOBF 2023 có sự tham gia của rất nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là các cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh trong mảng thương mại điện tử.
Ngoài ra, sự có mặt của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội bạn, các cơ sở đào tạo về thương mại điện tử trên khắp cả nước cũng góp phần làm cho các nội dung của diễn đàn lan tỏa rộng khắp đến công chúng, giúp thương mại điện tử đến gần với công chúng hơn.
Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, năm 2022, trong số 72 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam thì có đến 52 triệu người đang sử dụng thương mại điện tử, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó, chi tiêu hàng năm cho thương mại điện tử là 12,4 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam.
Đơn cử, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử. Còn tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt ngưỡng 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường