Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được hai bên ký kết vào ngày 30 tháng 6 năm 2019, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 08 tháng 6 năm 2020. Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực vào ngày 01 tháng 8 năm 2020.
Để triển khai thực thi Hiệp định, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Chính phủ tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg. Các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước đã và đang triển khai việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của đơn vị mình.
Sau hơn 2 năm thực thi, Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội để hàng hoá Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với 8 tháng năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 21,76 tỷ USD tăng 47,4% so với cùng kỳ năm trước.
Để giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường EU, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã triển khai đồng bộ sáu nhóm giải pháp sau:
Một là, xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Các nhóm hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tập trung vào các biện pháp như khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng (Bắc Ninh), xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư trực tuyến (Bình Dương, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh), tăng cường tổ chức rộng rãi các hoạt động hội chợ giới thiệu hàng Việt Nam (Đồng Nai, Hà Nội, Long An, Phú Thọ), đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hải Dương, Hải Phòng), khuyến khích tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn (Cần Thơ)…
Hai là, đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Hoạt động này được thực hiện chủ yếu ở cấp địa phương nhưng không phổ biến. Đáng chú ý là một số địa phương có các hoạt động nổi bật như xây dựng chương trình đào tạo nghề trực tuyến (Bình Dương), tăng cường công tác phối hợp trong giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp (Quảng Ninh) v.v…
Ba là, xây dựng và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã bổ sung và cập nhật Hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, bảo đảm tính đồng bộ, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, đồng thời tiếp tục củng cố Quy chuẩn Việt Nam để ngăn chặn sản phẩm, hàng hóa dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các Quy chuẩn quốc gia về thủy sản, xây dựng một số văn bản pháp luật về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam…
Bốn là, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, triển khai các biện pháp cải thiện, nâng cao năng suất lao động và các ngành sản xuất.
Một số tỉnh/thành đã chú trọng đến việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động. Đáng chú ý là An Giang với một loạt các hoạt động như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và chứng nhận đạt ISO, VietGAP, áp dụng công nghệ 5S, đồng thời thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ…; Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ cũng như ưu tiên triển khai các đề tài, nghiên cứu ứng dụng liên quan đến doanh nghiệp, thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu giữa tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp…; Hà Nội xây dựng cơ chế đặc thù định mức chi đối với hoạt động sáng kiến, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thiết lập sàn giao dịch công nghệ và triển khai Đề án công viên khoa học công nghệ; Long An tiếp tục triển khai Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng mô hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiến tới thành lập doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp…; Hải Phòng tổ chức các phiên kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học công nghệ…; Thành phố Hồ Chí Minh thành lập và triển khai Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ ở 121 doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 4.146 tỷ đồng nhằm nghiên cứu cải tiến công nghệ, thiết bị, trang bị phần mềm phục vụ sản xuất, kinh doanh…
Năm là, tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành chuỗi cung ứng, từng bước nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh/thành chủ yếu quan tâm về tình hình thu hút hoặc chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài, chưa đưa ra các biện pháp hoặc định hướng cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp thành phố, giúp hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.
Sáu là, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quy đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính…
Để đón làn sóng đầu tư từ các quốc gia thành viên EU, nhiều địa phương đã chú trọng chuẩn bị quỹ đất sạch trong và ngoài khu công nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao, chủ yếu dưới các hình thức đào tạo nghề, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, logistics…; tập trung hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, khắc phục những vướng mắc, rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Theo Tạp chí Quản lý thị trường