Hồ Chí Minh,

Sẽ cân nhắc tác động của việc điều chỉnh giá điện năm 2023

Định Khang  03/02/2023 13:04

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc hết sức đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí xung quanh những vấn đề liên quan đến giá điện, như, khả năng điều chỉnh giá, xử lý khoản lỗ EVN... Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, như chúng ta đã biết, giá điện có tác động lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như đời sống của người dân.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Quyết định đã có quy định rõ, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng; nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, do giá điện có tác động rất lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nên tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.


Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá điện trong năm 2023

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình, quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

Cụ thể, EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022; thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên Bộ (gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam,…) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân để trình lên Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (như Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng đề xuất của EVN.

“Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc hết sức đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định và nhấn mạnh, mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến câu hỏi về việc xử lý khoản lỗ của EVN, theo báo cáo của EVN, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các Bộ ngành, cơ quan liên quan để rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN đã đề xuất một số giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo của EVN để tạo điều kiện cho EVN tháo gỡ các khó khăn tài chính và đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành rà soát, xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Liên quan đến câu hỏi, với sự suy giảm của nhu cầu thế giới, dự kiến năm nay chỉ tiêu xuất khẩu sẽ đạt được bao nhiêu? Có khó khăn và thách thức gì hay không?, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, một trong những kết quả có thể coi là điểm sáng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như công tác điều hành của Chính phủ năm 2022 đó là kim ngạch xuất khẩu đã đạt con số kỷ lục. Kết quả này không chỉ đánh dấu kỷ lục về xuất khẩu của chúng ta từ trước đến nay, mà nếu tính đến bối cảnh khó khăn toàn cầu, đặc biệt tình hình địa chính trị thế giới năm 2022 có những biến động phức tạp, khó lường, thì thành tích xuất nhập khẩu cũng cho thấy những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu còn bộc phát nhiều khó khăn từ cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay vào đầu năm 2023 và trong cả thời gian tới.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa mà chúng ta có thế mạnh giảm sút rõ rệt, chủ yếu do một số nguyên nhân:

Một là, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của chúng ta, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… Thị trường Trung Quốc dù mới chấm dứt chính sách zero-Covid nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố phức tạp và tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng còn diễn biến khó lường.

Hai là, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Ba là, trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, điển hình như dệt may, da giày,…

Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga - Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Mặc dù vậy, cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, như Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có độ mở lớn, có nhiều FTA đã ký kết và có hiệu lực, nếu chúng ta biết khai thác tốt thì đây chính là thế mạnh trong thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.

Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022. Năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Như vậy với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.

Mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn, cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/se-can-nhac-tac-dong-cua-viec-dieu-chinh-gia-dien-nam-2023-94745.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống hàng giả, Vina CHG luôn đồng hành cùng lực lượng Quản lý thị trường đưa ra các giải pháp chống hàng giả để giúp nhận diện hàng thật phân biệt hàng giả trong quá trình điều tra xử lý hàng giả bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng.
Tem QR Code được Vina CHG tích hợp công nghệ chống hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả giúp bảo vệ thương hiệu, chống sao chép làm giả tem và sản phẩm.
Đồng loạt tiến hành kiểm tra hàng chục điểm bán hàng thuộc hệ thống Lamson 10K nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội), lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ nhiều sản phẩm dao cạo râu giả mạo nhãn hiệu và có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Gillette - nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Cụ thể, ngày 06/11/2023, Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Đội cảnh sát Kinh tế và môi trường – Công an huyện Hoằng Hóa đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giấy Đạt Phát; địa chỉ: SN 18, đường TL 510B, Thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Trọng Hải làm chủ cơ sở.