Hồ Chí Minh,

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu

Định Khang  26/04/2023 10:45

Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” cho biết, dù đã đạt được những kết quả tương đối tích cực trong năm 2022, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023 đã có dấu hiệu sụt giảm.

Xuất khẩu đối diện với nhiều thách thức

Ngày 25/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”

Báo cáo tình hình xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2023 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu của Bộ Công Thương cho biết, những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục đạt các kỷ lục mới và là một trong các động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, bởi tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường và dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực, bất lợi đến mọi mặt của hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, thì dù đã đạt được những kết quả tương đối tích cực trong năm 2022, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023 đã có dấu hiệu sụt giảm.

Cụ thể, theo báo cáo, mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2023 có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng xuất khẩu tháng 3 vẫn giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước, do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu…

Tính chung Quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 14,4%). Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với Quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).

Đáng chú ý, Quý I/2023, xuất nhập khẩu giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI. Đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu đạt 19,7 tỷ USD, giảm 15,3%; nhập khẩu đạt 25,8 tỷ USD, giảm 14,1%. Đối với khu vực doanh nghiệp FDI, xuất khẩu đạt 59,6 tỷ USD (tính cả dầu thô), giảm 10,5%; nhập khẩu đạt 48,7 tỷ USD, giảm 16%.

Cũng trong Quý I, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều có dấu hiệu giảm. Xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4%; sang thị trường châu Âu đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Phi giảm 11,2%, châu Đại Dương giảm 3,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Á đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ.

Các nhóm hàng xuất khẩu cũng tương tự giảm. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt 67,8 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ; nhóm nông, thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,8%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, giảm 1,6%.

Cá biệt, một số ngành hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm, như: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện giảm 9,3%; xuất khẩu hàng may mặc giảm 17,7%; xơ sợi dệt giảm 35%; giày dép các loại giảm 18,3%; xuất khẩu ngành gỗ, thủy sản, cà phê hay cao su cũng đều có dấu hiệu giảm.


Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đại biểu, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cần kịp thời tìm những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu

Tuy nhiên, trong Quý I, một số ngành hàng vẫn ghi nhận xuất khẩu tăng tích cực như: xuất khẩu rau quả đạt 982 triệu USD, tăng 16,2%, chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc; xuất khẩu gạo đạt 1,86 triệu tấn, trị giá đạt 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và 34,3% về trị giá, nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc và thị trường Indonesia; xuất khẩu điều cũng đạt 648 triệu USD, tăng 4,5%...

Có lẽ, điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu Quý I/2023 là cán cân thương mại hàng hoá tiếp tục xuất siêu. Mức thặng dư đạt 4,8 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng là khác nhau. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản là những ngành sụt giảm nhiều nhất; trong khi đó các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều,... ít chịu tác động hơn.

Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển,... cũng tăng cao.

Yếu tố hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại: Một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Yếu tố cạnh tranh trên thị trường ảnh hưởng đến giá hàng hoá xuất khẩu.

Nguyên nhân chủ quan vấn đề nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu: Khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước đang là khó khăn của một số ngành xuất khẩu chủ lực như mặt hàng gỗ, mặt hàng thuỷ sản, mặt hàng hạt điều. Chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định, cùng mức giá cạnh tranh cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất

Báo cáo của Bộ Công Thương cho rằng, kinh tế trong nước có những yếu tố kỳ vọng phục hồi trong thời gian tới, khi lãi suất ngân hàng sau thời điểm tăng cao cuối năm 2022 đã bắt đầu hạ nhiệt; nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay... Cùng với đó là các hoạt động đẩy mạnh đầu tư công, xúc tiến, thu hút đầu tư được Chính phủ quan tâm thúc đẩy; các Hiệp định FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA.

Do vậy, thời gian tới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị, các Bộ, ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài ngày 22/4/2023; tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển"; sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp (nhất là về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân).

Về phía Bộ Công Thương, Bộ Công Thương nhấn mạnh và khẳng định, sẽ tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn; rà soát các tồn đọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các dự án có vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu.

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp phát triển; hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Quy hoạch điện VIII.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng phối hợp, tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kết nối cung cầu, tìm kiếm các đối tác, phát triển thị trường xuất khẩu còn tiềm năng. Song song đó, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, cần tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do; chủ động ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại; chú trọng phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là logistics cho hoạt động xuất khẩu nông sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/thao-go-kho-khan-trong-san-xuat-kinh-doanh-va-day-manh-xuat-khau-95395.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.