Hồ Chí Minh,

Thay đổi toàn diện phương thức kiểm tra, xử lý các vi phạm trên thương mại điện tử

Định Khang  23/05/2023 07:58

Đi cùng với sự phát triển bùng nổ, thương mại điện tử cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với những thủ đoạn đặc biệt tinh vi cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Các vi phạm tinh vi cả về quy mô, địa bàn hoạt động

Tại Tọa đàm “Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thương mại điện tử” do Báo Công Thương tổ chức mới đây, các chuyên gia đều nhận định, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Song, nhiều đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở trong thương mại điện tử để quảng bá, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD.

Báo cáo này cũng cho rằng, sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử khi thương mại điện tử chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số Việt Nam.

Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ thương mại điện tử, tăng 26% so với cùng kỳ. Đến năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt 49 tỷ USD con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.

Số liệu khảo sát khác của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiến hành, năm 2022 cũng cho thấy, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua sắm trung bình của một người tiêu dùng trực tuyến đạt khoảng 288 USD.


Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động

Song theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền, sự phát triển của thương mại điện tử cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.

“Các hành vi vi phạm ngày càng trở nên tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động”, bà Huyền nhận định.

Chỉ ra những thách thức chủ yếu trong hoạt động quản lý thương mại trên môi trường thương mại điện tử hiện nay, bà Huyền cho rằng, các hành vi vi phạm tồn tại trong môi trường thực tế thì đều xuất hiện trên môi trường mạng xã hội. Đặc biệt, vi phạm trên môi trường mạng xã hội dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn (đối tượng không có kho hàng/cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online). Các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn. Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả.

Đặc biệt, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền, để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tồn tại trên môi trường thương mại điện tử là do một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua hàng rẻ.


Để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tồn tại trên môi trường thương mại điện tử là do một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua hàng rẻ

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho rằng các hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc ngày một phức tạp, tinh vi, diễn ra trực tiếp và thường xuyên hơn trên môi trường trực tuyến.

Song trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, lực lượng QLTT cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn. Đơn cử như các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok... Các hành động này gây khó khăn cho lực lượng trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng...

Hoạt động thương mại điện tử dựa trên hạ tầng về công nghệ, nên trong quá trình kiểm tra, các đối tượng ẩn đi, xóa đi chứng cứ rất nhanh gây khó khăn cho hoạt động thực thi công vụ.

Ngoài ra, đối với các giao dịch trên mạng xã hội, việc chứng minh giao dịch thương mại là rất khó khăn, phức tạp. “Người mua-người bán trao đổi qua inbox cá nhân; hàng hóa vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển, logistics hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân”, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Nguyễn Đức Lê chỉ rõ và cho biết, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tìm nơi cất giấu hàng hóa, lực lượng QLT phải phối hợp tạo lập bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng.

Thay đổi toàn diện phương thức kiểm tra, giám sát

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trên môi trường thương mai điện tử, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê, thời gian qua, lực lượng QLTT cả nước đã chủ động chia sẻ thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nhiều đối tượng vi phạm.

Riêng trong những tháng đầu năm 2023, lực lượng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện gần 5.000 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về SHTT và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xử phạt hành chính gần 46 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 29 tỷ đồng; trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gần 18 tỷ đồng.


Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê cho biết, lực lượng QLTT định hướng thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên môi trường thương mại điện tử để ngăn chặn các hành vi vi phạm

Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, lực lượng QLTT định hướng thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát.

Theo đó, lực lượng sẽ ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng với đó, tập trung xây dựng lực lượng QLTT tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7.

Đặc biệt, lực lượng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

“Thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, lực lượng QLTT sẽ xây dựng đội ngũ công chức, kiểm soát viên chuyên trách về thương mại điện tử, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về thương mại điện tử cho công chức QLTT. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng”, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền, nhằm tăng cường công tác ngăn chặn chống hàng giả, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế sỗ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử. Tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.

Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm; Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định hàng hóa vi phạm. Tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.

Theo Tạp chí Quản lý thị trường

Link gốc: https://qltt.vn/thay-doi-toan-dien-phuong-thuc-kiem-tra-xu-ly-cac-vi-pham-tren-thuong-mai-dien-tu-95645.html

Tin cùng chuyên mục   
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, thông qua quét mã QR bằng Zalo, người tiêu dùng đã có thể biết được chi tiết nguồn gốc xuất xứ, nhà sản xuất và nhiều thông tin cần thiết khác về sản phẩm, hàng hoá.
Tem chống hàng giả đa công nghệ được tích hợp nhiều công nghệ chống giả do Vina CHG đưa ra thị trường giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả, ngăn chặn nạn làm giả, nhái sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.
Các giải pháp chống hàng giả toàn diện ứng dụng chuyển đổi số của Vina CHG, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 5 năm 2023 vừa mới được tổ chức tại Long An nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 2023.
Tem chống hàng giả hay tem chống giả là giải pháp được phát triển để ngăn ngừa nguy cơ bị sao chép, làm giả cho các sản phẩm chính hãng, giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tem chống hàng giả được cấu thành từ 2 yếu tố chính là công nghệ chống hàng giả và tính pháp lý của con tem.
Tin tức mới nhất
Lực lượng quản lý thị trường vừa tiến hành kiểm tra địa điểm chứa trữ hàng hóa của Tiktoker Phan Thủy Tiên, thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, địa chỉ tầng 1, CT3, Toà nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ trên 10.000 lọ nước hoa nhập lậu.